Multimedia Đọc Báo in

Biển Sầm Sơn và truyền thuyết tình yêu trên núi Trường Lệ

08:29, 02/05/2015

Có dịp đến Sầm Sơn – tỉnh Thanh Hóa những ngày đầu tháng Tư, có lẽ ai cũng cảm nhận được sức sống mới của một đô thị trẻ đầy năng động. Cùng với đó là không khí chộn rộn, mời gọi du khách trước mùa du lịch mới chuẩn bị bắt đầu.

Đón chúng tôi khi chiều đã dần tàn, anh “hướng dẫn viên” người địa phương dẫn cả đoàn lên dãy núi Trường Lệ nằm ở phía Đông Nam thị xã, chạy dài theo ven biển, được phủ kín màu xanh của những vạt cây thông. Truyền thuyết kể lại rằng, vào thuở mới sinh ra loài người, có một người bụng mang dạ chửa bị trận đại hồng thủy cuốn trôi ra biển, rồi dạt vào bờ, bà nằm lại đây nguyện làm con đê chắn sóng. Cảm phục và thương xót tấm lòng cao cả của người phụ nữ ấy, nhân dân trong vùng rủ nhau đem đất đá đắp lên thi hài bà thành dáng núi Trường Lệ ngày nay. Có thuyết thì cho rằng, người phụ nữ ấy chết sau khi sinh con, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường, thương mẹ nên ngày ngày nhặt đất đá đắp lên thi hài mẹ để nấm mồ lớn dần thành núi. Cậu bé trưởng thành như một chàng trai khổng lồ, dũng cảm xẻ đôi thân mình cùng nhân dân làng chài đánh tan loài quỷ biển, về sau trở thành Thần Độc Cước, được nhân dân xây đền thờ phụng, hương khói bốn mùa.
Vào mùa du lịch, bãi biển Sầm Sơn thu hút rất đông khách.
Vào mùa du lịch, bãi biển Sầm Sơn thu hút rất đông khách.

Hòn Trống Mái là một di tích danh thắng nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa, danh thắng núi Trường Lệ. Đây là  tên gọi của hai hòn đá nằm chênh vênh trên núi giống như hình dáng đôi chim đá khổng lồ đang chụm đầu, nghiêng mỏ vào nhau. Chuyện rằng, một năm nọ, nước biển dâng lên cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển này, có hai vợ chồng nhà nghèo đã may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao trên núi. Ngày qua ngày, tuy nước biển đã rút, nhưng xung quanh chỉ là những vũng đầm lầy chua mặn, một ngọn rau cũng không còn. Họ chẳng có gì để ăn, một hôm, người chồng thấy con diều hâu lượn vòng trên núi, đoán chắc có gì đấy trên núi có thể ăn được. Anh gắng gượng leo lên mong tìm thấy chút gì lót dạ để vợ chồng cầm cự qua cơn đói. Người vợ ở lại ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị đã lê bước lần theo dấu chân đi tìm chồng, bò lên đỉnh núi, chị bàng hoàng thấy chồng mình đã chết từ lúc nào. Thương xót chồng vô hạn, người vợ kiệt sức gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng. Câu chuyện cảm động của hai vợ chồng nghèo đã lan tỏa đến thần tiên, họ được hóa phép thành đôi chim đá để được ngày ngày quấn quýt bên nhau. Đến kỳ hạn, đôi vợ chồng chim ấy phải theo bầy tiên bay về trời, nhưng đôi chim không nỡ rời xa mặt đất nên xin thần tiên cho họ được ở lại. Thần tiên chiều theo mong ước đó, đôi cánh, chân của họ phút chốc bỗng trở nên nặng nề, cứng nhắc, họ phải hóa kiếp lần thứ hai và lần này là mãi mãi để được ở lại với mặt đất quê hương…

Đêm cuối xuân trời mưa rả rích, vùng biển này có vẻ buồn hơn so với nhịp sống sôi động như vốn có, bãi biển vắng tanh, các dịch vụ cũng đang đắp chiếu. “Đó là chưa vào mùa du lịch, khoảng một tháng nữa, du khách mới kéo về đông nghịt, không khí ở đây ngày nào cũng như hội”, anh Trần Duy Tuyên, người công tác nhiều năm ở thị xã này giải thích. Tuy nhiên, tranh thủ dạo một vòng quanh thị xã sẽ cảm nhận được sự chộn rộn của người dân nơi đây trước mùa du lịch mới. Theo đó, những con đường ở trung tâm được nâng cấp, mở rộng và trang hoàng lộng lẫy, các cơ sở lưu trú cũng đang khẩn trương sửa sang lại để phục vụ du khách. Anh Tuyên giới thiệu, với bãi biển trải dài 6 km, đến Sầm Sơn vào mùa hè, sẽ cảm thấy thú vị không khí trong lành khi bình minh lên, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân trở về với nhiều hải sản tươi ngon: cá thu, tôm, cua, ghẹ, mực… Khi mặt trời dần lên cao, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xóa ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng, khung cảnh rất dễ chịu với màu xanh của trời, núi và biển. Đến chiều, trời mát dịu, du khách có thể nằm phơi mình trên bãi biển, nghe những thanh âm của từng cơn sóng biển vỗ vào bờ và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn. Không chỉ có thiên nhiên thơ mộng, bãi tắm đẹp, Sầm Sơn còn có những di tích văn hóa lịch sử như đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, hòn Cổ Giải…

Sầm Sơn lâu nay là địa điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước với phong cảnh đẹp và những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và đậm tính nhân văn. Để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, thị xã đã xác định làm du lịch theo phương châm “9 có 9 không”: có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm…;  không bán hàng rong, tẩm quất dạo, ăn mày, ăn xin, không chèo kéo, đeo bám du khách, không tổ chức trò chơi có thưởng, cờ bạc trá hình…

Với lợi thế là vùng đất của “Tam vương nhị chúa”, phong cảnh tươi đẹp, tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2015, với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới”, theo đó, các hoạt động văn hóa, du lịch sẽ diễn ra trong suốt năm 2015 ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và có sự tham gia của 15 địa phương có di sản thế giới trong cả nước như: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An...  Riêng Lễ hội du lịch biển Thanh Hóa trong chuỗi hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2015 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, từ 28-4 đến 5-5-2015 ở 5 huyện, thị và sẽ khai mạc vào 29-4 tại thị xã Sầm Sơn, với chủ đề “Ngọt ngào tình biển xứ Thanh”.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.