Multimedia Đọc Báo in

Để khai thác hiệu quả hơn du lịch homestay ở huyện Lak

07:58, 23/05/2015

Du lịch homestay tại Lak thời gian qua nhận được sự yêu thích  của nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình du lịch này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

So với nhiều địa phương khác, huyện Lak có nhiều ưu đãi về cảnh quan, khí hậu và văn hóa bản địa để phát triển du lịch homestay như: cảnh Hồ Lak thơ mộng, buôn làng với những ngôi nhà dài truyền thống mang đậm bản sắc của người Êđê, M’Nông, du lịch trên mình voi tạo sự thích thú đối với du khách…

Du lịch homestay giờ đã trở nên phổ biến và được nhiều khách quốc tế lựa chọn. Tại Lak, loại hình du lịch này phát triển mạnh nhất từ năm 2005 và trở thành một trong những nét hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Anh Victor Hamburger (đến từ thành phố Wurzburg, Đức) chia sẻ, lần đầu đặt chân đến Việt Nam, anh cùng những người bạn đã kịp đi đến một vài nơi, nhưng có lẽ những ngày nghỉ lại Lak đọng lại trong anh nhiều ấn tượng khó quên. Thay vì nghỉ tại khách sạn, anh chọn cách trải nghiệm nghỉ tại nhà dân, được ăn, ở, sinh hoạt cùng với chủ nhà, chiều xuống, mọi người quây quần nướng thịt và ăn ngay tại bếp lửa của người M’Nông… thật thú vị không gì bằng. Còn chị Wonner Karen, đến từ Pháp cho hay, chị đã đi nhiều nơi, dừng chân tại nhiều điểm hấp dẫn, nhưng Lak có cảnh quan đẹp, khí hậu dễ chịu, đến đây, chị đã ghi lại được nhiều tấm hình đẹp nhất trong kỳ nghỉ này.

Du khách quốc tế cưỡi voi thăm buôn làng tại Khu du lịch Hồ Lak.
Du khách quốc tế cưỡi voi thăm buôn làng tại Khu du lịch Hồ Lak.

Homestay ở Lak bây giờ là một sự trải nghiệm khá lý thú, du khách không chỉ đơn thuần là dừng chân ngủ lại qua đêm mà còn có khá nhiều hoạt động thú vị khác như vãn cảnh Hồ Lak, cưỡi voi thăm buôn làng, chèo thuyền độc mộc, thưởng thức đặc sản địa phương chả cá thát lát… Nghỉ tại nhà dân, nếu thích, du khách có thể mang gùi trên lưng đi chợ, nấu  ăn hoặc tham gia gặt lúa, cắt cỏ cùng với chủ nhà. Các hộ mở dịch vụ homestay đều đầu tư sửa chữa, cải thiện lại ngôi nhà của mình cho tươm tất hơn,  nhất là luôn cố gắng tạo ra một không khí sinh hoạt gia đình ấm cúng, ban đêm họ dành thời gian ngồi quây quần nói chuyện cùng với khách dưới sự giúp đỡ của các hướng dẫn viên, nhờ cách làm này đã thu hút khách ở lại dài ngày hơn. Theo ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Du lịch buôn Jun, nếu như trước đây, khách du lịch chỉ nghỉ lại nhà dân đúng một ngày rồi đi thì bây giờ, nhiều đoàn lưu trú đến ba ngày mới “chịu” rời Lak để tiếp tục hành trình khám phá những miền đất đẹp khác như Đà Lạt, Nha Trang… Hiện HTX có 15 xã viên tham gia làm du lịch thường xuyên, trong đó, có 8 hộ góp nhà, 3 hộ góp voi và 4 hộ góp thuyền độc mộc để phục vụ khách. Mỗi nhà có thể bảo đảm cho tối đa 12 khách lưu trú qua đêm. HTX  hỗ trợ mùng, mền, chăn, chiếu và nhiều đồ gia  dụng khác cho các hộ mở homestay để phục vụ khách tốt hơn. Nhờ đó, lượng khách lưu trú tại đây cũng tăng đáng kể, nếu như năm 2010, HTX chỉ đón 2.230 lượt khách đến lưu trú cùng dân thì đến năm 2014 đã tăng lên 5.080 lượt người, chủ yếu là khách đến từ các quốc gia như Úc, Anh, Đức, Mỹ, Pháp…

Những năm gần đây, du lịch homestay ở Lak tuy có sự phát triển đáng kể, tạo cho người dân có thêm thu nhập, nhưng trên thực tế, loại hình du lịch này vẫn còn mang tính tự phát và kém sinh động, từ khâu phục vụ khách lưu trú còn đơn giản đến tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt, giới thiệu cảnh  quan, văn hóa, con người bản xứ… còn khá đơn điệu. Thêm vào đó, số hộ tham gia mở dịch vụ homestay ở đây không nhiều, chủ yếu chỉ tập trung ở buôn Jun. Chưa kể, việc hạn chế về vốn ngoại ngữ giao tiếp căn bản của người làm du lịch cộng đồng tại đây cũng là một rào cản khiến việc giao lưu, tạo không khí thân thiện với khách trở nên khó khăn hơn. Do đó, để  tạo đà cho loại  hình du lịch này phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của khách lưu trú, thiết nghĩ rất cần nâng cao chất lượng dịch vụ homestay như khắc phục rào cản về ngoại ngữ, đa dạng sản phẩm du lịch từ chính mỗi gia đình, quan trọng hơn, đào tạo bài bản cho họ về cách thức phục vụ, tổ chức phòng nghỉ, thiết  kế bữa ăn gia đình phong phú, cách trò chuyện cùng với khách, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của địa phương... 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.