Multimedia Đọc Báo in

Đường hầm của một giấc mơ

07:56, 23/05/2015
Cách trung tâm TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) gần 20 cây số, theo con đường tới Thiền Viện Trúc Lâm, nhiều du khách đã đến “Đường hầm điêu khắc” để chiêm ngưỡng những tác phẩm làm trong con đường âm dưới lòng đất, với kiến trúc độc đáo cùng những ngẫu hứng của người kiến trúc sư tài hoa Trịnh Bá Dũng và 10 cộng sự khác.

Theo dọc hành trình, sau khi tận hưởng không gian tự nhiên tươi đẹp của Đà Lạt là đến không gian Đà Lạt bằng đất sét.  Đường hầm điêu khắc hay người dân địa phương thường gọi là “đường hầm đất sét” bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2013 và hiện chiều dài đã là 1,2 km và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Đó là mô hình được gọt dũa tạo dáng dựa theo vách đất và được những người thợ phủ lên một lớp hồ xi măng, sau đó phủ bên ngoài lớp đất sét đã có chất phụ gia kết dính và không bị hủy hoại bởi mưa nắng.

Bước chân vào cổng là hình ảnh  đầu con rồng bên trái và đuôi con rồng bên phải. Có nghĩa là công trình được xây dựng “trên mình” con rồng. Du khách cứ đi dọc theo mình rồng, ngắm nhìn thỏa thích và khi về là tới đuôi con rồng. Không cần người thuyết mình, chân cứ bước đi trong không gian kỳ ảo đó và nếu ai đã từng tới Đà Lạt sẽ nhận ra ngay những kiến trúc và sinh hoạt cộng đồng cùng những nét văn hóa gắn liền với TP. Đà Lạt mộng mơ tại đây. Chiều cao của đường hầm lên tới 9 m và đã có  50.000 m3 khối đất được đào. Nhưng đó chỉ là những con số, còn chân bước chạm vào giữa thênh thang đất trời ấy lại là câu chuyện chiêm nghiệm và tận hưởng.

Đỉnh Lang Biang thu nhỏ tại Đường hầm điêu khắc.
Đỉnh Lang Biang thu nhỏ tại Đường hầm điêu khắc.

Đầu tiên là những hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên với thú rừng, voi, hình tượng những chú khỉ với nhiều dáng vóc. Lên bậc cấp là bức tường khắc họa rõ nét những sinh hoạt ấy  rất đẹp. Cứ thế, chân lần bước, gặp thác nước và hoa  gợi đến xứ sở Đà Lạt với những mùa hoa. Lạ hơn là tác giả cũng diễn tả các loại sinh vật như rùa, kiến, tắc kè ở mọi nơi.

 Trong vô vàn các kiến trúc ở nơi này, có nhiều điểm nhấn đẹp và làm cho người người ấn tượng. Đó là kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm, Nhà thờ Domaine de Marie, đỉnh Lang Biang, Thiền Viện Trúc Lâm, Ga xe lửa Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà… Sự hoài niệm xưa cổ của người tạo dựng đường hầm điêu khắc thấy rõ khi anh đưa vào trong không gian đất sét của mình những chiếc xe vespa cổ, xe song mã, chiếc chuông lớn, xe hơi cổ… Người đi qua cảm nhận sự nhạy cảm rõ ràng của anh. Trong các kiến trúc đó, có lẽ ba kiến trúc với không gian rộng, tạo dấu nhấn đậm nét chính là Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Con Gà và đoàn tàu như đang chuyển bánh đưa khách vào một chuyến phiêu lưu. Các khắc họa Bưu điện Đà Lạt cũng rất cổ với hình ảnh chiếc điện thoại quay số thuở xưa. Âm nhạc cũng luôn là dấu nhấn cho Đà Lạt mộng mơ. Nếu ở Vườn hoa thành phố, bài hát: “Đà Lạt hoàng hôn” được khắc trên gỗ, thì ở đây, bài: “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên được khắc lên… đất sét với lời bài hát đã hàng mấy chục năm: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa. Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương. Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương…”. Tất nhiên không thể thiếu hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cây đàn.

 Tại đây còn có khoảng lãng mạn nữa chính là nơi của những danh ngôn trong rừng thông, khắc trên gỗ thông. Là con đường vòng qua vườn dâu, nhìn những người nông dân đang miệt mài chăm sóc cây trồng, để bắt gặp những cây dâu vươn mình trong chiếc túi cao, cứ chen ra chung quanh. Để tìm con đường lên đỉnh Lang Biang mà nhìn xuống dưới đường hầm. Để rồi Nhà Việt Nam như là điểm nhấn cuối cùng cho cuộc hành trình khám phá. Trên nóc nhà là bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa. Trong ngôi nhà nhỏ ấy lại có những nét đặc trưng về văn hóa Việt. Tượng bác sĩ Yersin, người đã tìm ra Đà Lạt được đặt ở vị trí rộng mở, nhìn xuống một đồi thông.

Với cuộc hành trình khám phá Đà Lạt trong lòng đất ấy, du khách có thể cảm nhận được sự tài hoa của người kiến trúc cùng những dấu ấn Đà Lạt và công trình kiến trúc lạ. Một chuyến rong chơi ở chốn này khiến cho bước chân lơ đãng đã đến điểm cuối cùng tự lúc nào, lại muốn tiếp tục đi trở lại để tận cùng khám phá.

 Khuê Việt Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.