Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng với du lịch huyện Lak

08:39, 28/05/2015

“Làm du lịch bằng cái “tâm” và nụ cười thì sẽ không bao giờ lo chuyện thua thiệt” - lời chia sẻ chân tình của ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Du lịch buôn Jun (huyện Lak) đã cuốn hút chúng tôi ngay từ khi mở đầu câu chuyện...

Sinh năm 1960 tại Huế, năm 6 tuổi, ông Đức theo gia đình vào mảnh đất Tây Nguyên sinh sống. Đến năm 1977, ông tham gia lực lượng bán vũ trang của huyện Lak. Có lẽ chính nhờ nhiều lần trèo đèo lội suối làm nhiệm vụ, được khám phá vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh nơi đây nên ông “ bén duyên” với nghề làm du lịch sau này…

Ông Bùi Văn Đức Chủ nhiệm HTX Du lịch buôn Jun chia sẻ về du lịch huyện Lak.
Ông Bùi Văn Đức Chủ nhiệm HTX Du lịch buôn Jun chia sẻ về du lịch huyện Lak.

Ngồi dưới tán cây xanh mát đón những làn gió mát dịu thổi lên từ mặt hồ Lak, ông Đức chậm rãi chia sẻ với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề... Khi mới bắt đầu làm du lịch (năm 1990), ông Đức cũng như các gia đình khác tại đây mở ra các dịch vụ như cưỡi voi, chèo thuyền,... Nhờ lượng du khách trong và ngoài nước đến hồ Lak tham quan, du lịch khá đông nên các dịch vụ này cũng mang lại một số thành công nhất định. Tuy nhiên ông Đức vẫn không thấy hài lòng bởi các loại hình du lịch còn nghèo nàn, nhỏ lẻ và thiếu sự đầu tư về quy mô, tổ chức. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch, tuy nhiên các sản phẩm, dịch vụ tại huyện Lak vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên hiệu quả mang lại không cao, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt là loại hình du lịch cưỡi voi, mặc dù là một sản phẩm độc đáo nhưng lại được khai thác bất cập. Voi tham gia làm du lịch được ăn chia tùy theo thỏa thuận giữa hai bên (chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng dịch vụ), chủ voi nào tham gia nhiều lượt thì có thu nhập cao và ngược lại… Chính vì lợi ích trước mắt này đã khiến các chủ voi đua nhau tận dụng thời gian, sức lực của voi để kiếm tiền, bất chấp sức khỏe của voi ra sao. Vì thế sức khỏe đàn voi nhà ở đây nhanh chóng bị suy kiệt, dẫn đến bệnh tật và chết dần... Phải làm gì để phát triển du lịch nơi đây? Làm thế nào để người dân sống trong các buôn ven hồ Lak cùng được hưởng lợi và có thể sống bằng nghề du lịch? Những câu hỏi ấy luôn đau đáu trong ông. Để rồi sau bao đêm suy nghĩ, ông cũng tìm ra được giải pháp. Năm 2005, HTX Du lịch buôn Jun chính thức thành lập, mở ra một hướng đi mới cho du lịch huyện Lak. Từ đây, các hộ có voi, có thuyền… được cùng “chung tay, góp sức” khai thác và phát triển du lịch. Nhờ HTX có kế hoạch, lịch trình sử dụng voi một cách hợp lý nên cơ bản tránh được tình trạng “vắt kiệt sức” của voi. Chính vì thế nên khi HTX ra đời cũng góp phần bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà để tạo dựng một sản phẩm du lịch bền vững cho huyện Lak.

Ông Đức chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi là muốn tất cả đồng bào trong 3 buôn ven hồ Lak này (buôn Lê, buôn Jun và buôn M’Liêng) đều có những đóng góp cho sự phát triển của du lịch huyện nhà. Chính vì vậy tôi mới thành lập HTX, chứ nếu muốn một mình hưởng lợi thì gia đình tôi đã mở công ty du lịch rồi”. Được biết, hiện nay HTX có 48 xã viên, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số; HTX quản lý 16 con voi, 20 thuyền độc mộc, 8 nhà dài… Các dịch vụ của HTX rất đa dạng, từ cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lak đến du lịch kết hợp đi rừng, ở home stay, thưởng thức cồng chiêng… Đa số các xã viên có đời sống tương đối ổn định. Cụ thể, các xã viên có voi thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng, các xã viên có thuyền thu nhập khoảng 5 triệu đồng… Già Ama Dúp (ở buôn Jun) vui vẻ trả lời khi được hỏi về cách làm du lịch của ông Đức: “Mọi người trong buôn này coi chú Đức là người của buôn rồi. Làm du lịch mà không biết tiếng Anh, tiếng Pháp… nhưng lại thành thạo tiếng Êđê, M’nông của buôn làng mới hay chứ. Mọi người hay gọi vui chú ấy là “già làng hồ Lak” đấy!”.

Nói về những dự định trong thời gian tới, ông Đức chia sẻ, trong nhiều năm qua, các xã viên ở đây mong muốn được xây dựng một cơ sở lưu trú, kết hợp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng vì nhiều yếu tố như địa điểm, giá thuê đất… nên “lực bất tòng tâm”. Đến giờ, HTX vẫn hoạt động, điều hành, phục vụ khách hàng (từ cưỡi voi, ăn uống, nghỉ ngơi…) tại căn nhà rộng chừng vài trăm mét vuông của gia đình ông. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền, ông Đức sẽ đầu tư phát triển loại hình du lịch home stay, phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… 

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.