Multimedia Đọc Báo in

Nhà sàn Thái ở Ea Kuêh

15:05, 16/05/2015
Đến xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà sàn theo kiểu nhà sàn của người Thái ở miền tây Nghệ An. Nhiều ngôi nhà tại đây đã được xây dựng cách tân nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo về kiến trúc nhà sàn của người dân tộc Thái xưa.

Trong truyền thuyết, người Thái cho rằng con rùa đã dạy họ cách làm nhà bởi chính hình thức của nó, bốn chân như bốn cột, mai rùa là bộ mái. Họ tin tưởng rằng với cách làm nhà theo hình rùa đứng sẽ tránh được lũ lụt và thú dữ... Thường thì cấu trúc nhà sàn của người Thái có 3 gian, 5 gian, hoặc 7 gian và nhiều nhất là 9 gian. Nhà được làm bằng các loại gỗ như: lim, chò chỉ… Mái nhà ngày trước chủ yếu được lợp bằng lá cọ thì nay được thay thế bằng ngói hoặc tôn và sàn nhà thường cao hơn mặt đất khoảng 2 mét. Ông Lô Quốc Hợi, già làng buôn Thái, xã Ea Kuêh cho biết: “Chuyện xưa kể rằng người Thái gặp ông rùa đi, nằm, ngồi thì có cái mai che mưa che nắng, bốn chân rùa là bốn cái cột nên người Thái thường làm nhà có 4 cột, 6 cột, tiếng Thái gọi là “xì sào túc” (4 cái cột), hoặc “hốc sáo tằng” (6 cột). Môi trường sống ngày xưa nhiều thú dữ nên ở nhà sàn đốt lửa lên vừa ấm áp lại vừa tránh được thú dữ”.

 Nhà sàn Thái  ở buôn Thái,  xã  Ea Kuêh.
Nhà sàn Thái ở buôn Thái, xã Ea Kuêh.

Ngôi nhà sàn của bà Lương Thị Tuyết nằm ở ngay giữa buôn Thái. Gia đình bà từ miền tây Nghệ An đến xã Ea Kuêh lập nghiệp từ năm 1996. Khác với những hộ khác trong làng là thích nhà xây, bà vẫn “trung thành” với mẫu nhà sàn truyền thống. Nhà mái hình mai rùa, 2 cầu thang hai bên nhưng đã có chút ít thay đổi là lợp tôn chứ không còn lợp mái tranh. Bà Tuyết chia sẻ: “Gia đình tôi ở ngoài quê cũng thích làm nhà này và vào đây cũng thích làm nhà này chứ không thích kiểu nhà xây. Kiểu nhà sàn này rất mát mẻ. Nhà có 4 gian gồm gian đầu làm nơi thờ cúng và phòng khách, gian thứ 2 là của ông bà, gian thứ 3 là của con trai và con dâu, gian thứ 4 là nhà bếp”. Đối diện với nhà bà Tuyết là căn nhà của gia đình anh Lộc Văn Kỷ được làm từ năm 2001. Cũng mái khum khum mai rùa nhưng vật liệu dùng để xây dựng đã thay đổi: cột trước bằng gỗ thì nay bằng bê tông, sàn lát gạch, mái lợp ngói và tôn… Gầm sàn cũng không còn nuôi gia súc, hoặc chứa củi như trước kia nữa. Anh Kỷ cho biết: “Dù đã di cư vào Tây Nguyên sinh sống, làm ăn nhưng đồng bào Thái chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc nhà sàn của ông bà để lại. Có điều bây giờ những vật liệu xây dựng như gỗ rất đắt, chúng tôi phải chọn những vật liệu tiết kiệm, dễ kiếm hơn”.

Buôn Thái ở Ea Kuêh hiện có 182 hộ, với hơn 90% là người Thái. Trong buôn có khoảng 70% các ngôi nhà vẫn mang dáng dấp nhà ở của người Thái xưa; trong đó có gần 10 hộ gần như giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà sàn truyền thống. Việc gìn giữ những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái ở Ea Kuêh đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc đa sắc màu ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.