Đồng bào dân tộc bản địa làm du lịch ở Vườn Quốc gia Yok Đôn
Ngày càng có nhiều du khách quốc tế lựa chọn Vườn Quốc gia Yok Đôn để trải nghiệm phong cảnh và khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân tộc bản địa. Nơi đây còn có nhiều tiềm năng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, làm phong phú thêm cho loại hình du lịch của địa phương.
Du lịch trên mình voi dã ngoại trong rừng. |
Yok Đôn là Vườn quốc gia có diện tích lớn nhất cả nước, đang bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng khộp duy nhất ở Việt Nam. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Ngoài ra, Vườn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Êđê, M’nông… và là vùng đất nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi.
Khách nước ngoài tham gia giã gạo, chuẩn bị bữa cơm |
Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn thời gian qua luôn được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt, từ năm 2013, khi đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch gắn bó, ăn uống với nhà dân, học quản voi và tắm cho voi trên dòng Sêrêpôk càng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách. Bởi cái thú vị khi đến với Vườn quốc gia Yok Đôn không chỉ là khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa khi du khách cùng đi chợ, vào bếp, giã gạo, nấu cơm và ăn bữa cơm do chính gia chủ nấu. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn, thích thú đặc biệt đối với du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến đây. Theo ông Vũ Đức Giỏi - Phó Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Yôk Đôn thì đây dịp để du khách tham quan, tìm hiểu về nét văn hóa của nºgười dân tộc bản địa để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của một vùng đất. Hiện trong Vườn có khoảng 10 gia đình tham gia làm du lịch, trong đó, có 5 hộ phục vụ ăn uống, tham quan tại nhà dân, 5 hộ góp thuyền phục vụ du khách du thuyền ngắm cảnh dọc sông Sêrêpôk, với mức thu nhập mỗi hộ từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng các hộ tổ chức đón khách tại nhà thì vẫn cố gắng giữ nguyên cấu trúc căn nhà cổ, nếp văn hóa, sinh hoạt của dân tộc mình và nhất là văn hóa trên bàn ăn, với khả năng phục vụ khoảng từ 3-5 du khách/hộ. Phía Vườn tạo điều kiện hỗ trợ hướng dẫn viên, giới thiệu khách đến với mỗi hộ gia đình, và hướng dẫn bà con cách thức vệ sinh nhà cửa, đón khách, giao tiếp, trò chuyện với khách, tổ chức bữa ăn gia đình… để phục vụ khách tốt hơn. Nhờ đó mà lượng khách quốc tế đến với Vườn tăng đáng kể. Nếu như năm 2013, Vườn chỉ đón gần 650 lượt khách thì năm 2014 đã tăng lên 2.900 lượt, trong đó khách quốc tế 1.700 lượt, chủ yếu đến từ các quốc gia như Úc, Pháp, Đức… Gia đình chị H’ Khăm Lâm (buôn Jang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là một trong những gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng ở Vườn cho hay, trung bình mỗi tuần, chị đón từ 2-3 đoàn khách đến đây tham quan và ăn uống. Theo chị, khách rất ưa thích những món ăn truyền thống của người đồng bào như cơm lam, gà nướng, canh bột lá muồng, canh cà đắng, thưởng thức rượu cần… Đặc biệt, họ rất thích cùng giã gạo để nấu cơm, nhặt rau, ngồi trên nhà sàn ngắm cảnh buôn làng mỗi sáng sớm hay chiều đến, và tham gia hoạt động như làm vườn, cuốc cỏ. Tham gia làm du lịch từ 3 năm nay, trong nhà chị H’ Khăm Lâm lúc nào cũng có sẵn vài ché rượu cần ngon để tiếp đãi du khách. Khi cần, chị lại bày biện ra, hướng dẫn khách cách làm rượu cần, và nhóm lửa nướng lên những ống cơm lam đậy mùi thơm. Theo chị, khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú với quả bầu khô của người Êđê. Nắm bắt thị hiếu đó, chị dự định sẽ trồng giàn bầu không phải để ăn quả mà để cho khách tham quan, chụp ảnh và dành quả bầu khô làm sản phẩm lưu niệm cho khách. Tương tự, gần 10 năm nay, hộ anh Y Siên Niê cũng sử dụng thuyền của gia đình phục vụ khách du ngoạn dọc sông Sêrêpôk trong khuôn viên Vườn, cứ mỗi chuyến như vậy, anh có trên 200.000 đồng, trung bình mỗi tháng thu nhập cũng được khoảng 3 triệu đồng, đó là nguồn thu nhập chính của gia đình để trang trải cuộc sống.
... và cùng dùng bữa cơm tại một gia đình người Êđê ở buôn Jang Lành. |
Buôn Đôn là huyện nghèo của tỉnh, lại không được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu để làm nông nghiệp, thế nhưng, một số người dân ở đây đã năng động biến nhà sàn, chái bếp thành điểm tham quan, lấy nét ẩm thực độc đáo của dân tộc mình làm nên sức hút thu phục du khách… cách làm du lịch này đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng ở đây vẫn còn khá đơn giản và mang tính tự phát; số hộ tham gia chưa nhiều; lượng khách sử dụng dịch vụ lại không thường xuyên. Do đó, để hình thức du lịch này phát huy hiệu quả, bài bản rất cần sự quan tâm đầu tư của các cơ quan chức năng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc