Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa – Du lịch: Thiếu sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho hình ảnh du lịch Đắk Lắk

10:49, 01/08/2015

Bên cạnh việc thiếu dấu ấn riêng cho từng điểm đến thì nhiều năm qua, du lịch Đắk Lắk vẫn đang đối mặt với tình trạng nghèo nàn và đơn điệu về sản phẩm quà lưu niệm...

Mua quà lưu niệm về biếu bạn bè, người thân sau một chuyến du  lịch đã trở thành thói quen và nhu cầu với nhiều du khách. Thế nhưng, đến Đắk Lắk mua gì về làm quà vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng cho nhiều du  khách.

Du khách mua đồ lưu niệm tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.
Du khách mua đồ lưu niệm tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

Thời gian qua, lượng du khách đến Đắk Lắk tăng đáng kể, nhưng khách tiêu tiền ở đây còn khá ít. Theo nhiều người làm nghề du lịch, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do sản phẩm lưu niệm của địa phương khá nghèo nàn và thiếu đặc trưng. Dù đã có một số sản phẩm như cà phê, mật ong, túi, ví, quần áo thổ cẩm; đồ thủ công mỹ nghệ như móc chìa khóa, chiếc gùi Êđê, quả bầu, tượng voi… khô bò, măng khô, rượu cần Y Miên, bài thuốc Ama Kông… nhưng sản phẩm quà lưu niệm cho du lịch Đắk Lắk vẫn chưa đủ sức để tạo được dấu ấn riêng. Cho nên dù rất muốn mua một món quà nào đó, du khách vẫn phân vân không biết mua gì cho xứng đáng. Chị Trần Hải Nhi, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, để chọn được món quà làm kỷ niệm cho chuyến đi Tây Nguyên quả không phải là dễ, bởi tất cả đều na ná nhau. Lên Kon Tum thì thấy rượu cần, túi ví, quần áo thổ cẩm, móc chìa khóa bằng gỗ, đến Gia Lai cũng không có gì khác hơn, sang Đắk Lắk thì có thêm bài thuốc Ama Kông, cà phê Buôn Ma Thuột - sản phẩm được coi là đặc trưng nhất của phố núi…

Trên thực tế, tại mỗi khu, điểm du lịch của tỉnh như Trung tâm du lịch Buôn Đôn, Hồ Lắk… đều tổ chức các gian hàng bày bán sản phẩm lưu niệm khá bài bản. Người bán thì niềm nở mời chào, nhưng gian hàng nào cũng chỉ bày bán chừng đó mặt hàng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là cà phê, đồ thổ cẩm, móc chìa khóa, bài thuốc Ama Kông, măng khô... Anh Phạm Công Hoàn, hướng dẫn viên du lịch của đoàn khách đến từ Ninh Bình cho hay, đưa khách đến Đắk Lắk họ rất hào hứng khi đứng trước các gian hàng đồ lưu niệm, song hầu như họ chỉ tham quan, ngắm nghía chứ không mua gì, bởi trước đó họ đã mua ở Gia Lai, Kon Tum rồi, có khách còn nhận xét, ở đây bày bán quá nhiều bộ đồ bà ba vốn không phải là hàng đặc trưng của dân tộc bản địa.

Thông thường, khi đến với một vùng đất mới, du khách thường tìm mua sản phẩm mang đậm nét văn hóa, con người của địa phương đó; đôi khi chỉ cần nhìn qua sản phẩm mang về là bạn bè biết mình đã đi đến những tỉnh, thành nào. Thế nhưng với Đắk Lắk, du khách lại không có nhiều lựa chọn. Anh Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JVB – TNT (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, Đắk Lắk là vùng đất rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc bản địa và đang sở hữu nhiều nghệ nhân tạc tượng khá độc đáo, có tay nghề cao, tiếc là vẫn chưa có sản phẩm thủ công ấn tượng như điêu khắc bằng tay hình dáng nhà dài Tây Nguyên hoặc voi một cách công phu, bài bản… khiến nhiều du khách tìm mãi vẫn không có sản phẩm ưng ý.  

Sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương không chỉ tạo sự hấp dẫn cho du khách, kích thích họ tiêu tiền mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương. Song nhìn vào thực tế, thị trường quà lưu niệm ở Đắk Lắk hiện vẫn còn bỏ ngỏ, đa số tiểu thương chỉ nghĩ đến việc bán cho được hàng chứ không hề quan tâm đến việc chọn bán sản phẩm mang đậm bản sắc, đặc trưng của phố núi (mà biết chọn ở đâu?) để thu hút du khách, vì thế nên họ chỉ nhập những sản phẩm từ nơi khác đến như khỉ nhồi bông, voi bằng nhựa… với giá rẻ về bán cho du khách.

Thời gian qua, ngành du lịch Đắk Lắk cũng chú tâm xây dựng sản phẩm lưu niệm, nhưng khó về vốn vẫn là vấn đề gây cản trở nhiều nhất. Thiết nghĩ, về lâu dài, địa phương cần có kế hoạch đầu tư xây dựng sản phẩm riêng biệt, độc đáo để đáp ứng nhu cầu của du khách bằng hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa nguồn vốn. Bên cạnh đó, cũng nên định hướng cho tiểu thương bán hàng đặc trưng (chỉ Đắk Lắk mới có) để tăng thêm sự hấp dẫn cho du khách, kích thích tiêu dùng khi họ đến đây.

 Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.