Multimedia Đọc Báo in

Chầm chậm Luang Phrabang

09:55, 27/10/2015
Dòng Mê Kông oằn nặng phù sa nên chảy rất chậm quanh cố đô Luang Phrabang (Lào) như ôm thành phố vào lòng trìu mến chở che.

Suốt dọc bờ sông, không biết kéo dài tới mấy cây số, đều là hàng quán. Sà vào bất cứ hàng quán nào, cũng có thể thả mình đón gió mát, ngắm dòng nước đỏ ngầu chảy chậm, ngó những chiếc phà cũ kỹ ăm ắp người qua lại giữa hai bờ Lào – Thái. Không hề thấy tấp nập những xuồng máy, xuồng cao tốc hay ghe thương hồ xé toạc dòng nước lao vùn vụt như ở dọc sông Tiền, sông Hậu. Ngoài thỉnh thoảng mấy chiếc xà lan, tàu khẳm hàng nặng nề chậm chạp xuôi dòng, chỉ loáng thoáng vài con thuyền nhỏ không máy nổ của cặp vợ chồng hay cha con nào đó quăng lưới cho một ngày  mưu sinh lặng lẽ trên sông.

  Chùa trong Hoàng cung ở Luang Phrabang.
Chùa trong Hoàng cung ở Luang Phrabang.

Giống như sông Hằng đối với người dân Ấn Độ, người Lào cũng rất thành kính coi trọng dòng sông mang tên “Sông Mẹ” . Vì vậy mà cổng chính rộng thênh thênh của ngôi chùa được coi là linh thiêng nhất, cổ nhất cố đô Luang Phrabang, chùa Wat Xiêng Thong, được mở ra phía dòng sông. Chỉ cần xuống mấy chục bậc thang, băng qua con đường nhựa chắn ngang là gặp ngay dòng sông rộng đang trầm lặng chảy. Hằng năm có những lễ cúng rước, tắm Phật rất trọng thể, thành kính diễn ra trên bờ sông này. Bước vào chùa Wat Xiêng Thong, du khách vô cùng cảm phục bàn tay tinh tế của người Lào từ mấy trăm năm về trước. Không chỉ là mặt tiền đang được trùng tu bằng những tấm lá vàng dát mỏng mà chiếc xe chở lẫn tháp chứa xá lị của Đức Phật và hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ đặt trong tòa chính điện  đều được bọc kín bằng vàng. Những bức tranh tường thêu, vẽ, chạm trổ chi tiết công phu hình hoa lá, con người, ngôi tháp chứa di cốt dát  hàng ngàn những mảnh kính lấp lóa trong bóng nắng hoàng hôn, âm âm tiếng chiếc chiêng cổ đen bóng cao hơn 1,5m… đều khiến hậu thế phải nghiêng mình kính phục.

Dòng sông Mẹ (Mê Kông) được coi là linh thiêng nhất đối với người Lào.
Dòng sông Mẹ (Mê Kông) được coi là linh thiêng nhất đối với người Lào.

Luang Phrabang là kinh đô cổ của một đất nước Phật pháp có tuổi đời hàng 400-500 năm nên chùa hiện diện trên mọi nẻo đường: trên phố lớn sầm uất, trong ngõ nhỏ tĩnh lặng, giữa những làng quê mộc mạc hoang sơ, sát bên chợ ồn ã người mua kẻ bán… Leo 359 bậc lên đỉnh núi Phou Si chót vót kề bên bảo tàng Hoàng gia (xây dựng năm 1904) , quỳ lạy cầu phúc trong ngôi chùa Wat Chomsi chiếu thẳng góc với cung điện cổ bên dưới và từ đó lia mắt ngắm cố đô trải rộng trong bóng nắng đổ dài, cảm giác thật yên bình. Trong sương sớm mờ mờ hư ảnh, khi xuất hiện bóng áo vàng cam khất thực của các sư sãi đếm từng bước theo hàng dọc trên mọi nẻo đường là đã bắt gặp người dân quỳ ngang đường thành kính dâng cơm. Hoàng hôn níu  bóng nắng dần buông, trong tiếng chuông chiều giục các tiểu sinh áo nâu đỏ líu ríu bước chân tụ về những tu viện… Có lẽ vậy nên nhịp sống ở Luang Phrabang dường như trôi đi rất chậm. Xe máy không phóng nhanh. Tịnh không một tiếng còi ôtô, những bước chân sớm chiều đều không vội vã trên đường, cho dù là công chức, bà nội trợ hay chủ nhân những tiệm ăn uống, khách sạn lẫn du khách. Có lẽ đó cũng chính là điều cuốn hút của Luang Phrabang chăng?

Bỏ qua các thung lũng voi, thác nước… những điểm đến của du lịch Luang Phrabang nhưng quá quen với người Tây Nguyên, chúng tôi đến thăm khắp những ngôi chùa trong cố đô, tất nhiên là có cả bảo tàng vàng son của Hoàng cung cổ; dạo phố tò mò ngắm những khách sạn lớn nhỏ (không hề có nhà cao tầng) với phong cách kiến trúc Pháp có, cổ kính Lào có, đều xanh mát rợp bóng cây lá và hoa đủ màu. Ghé chợ rau củ non mươn mướt buổi sáng, chọn cho bữa trưa ven sông lộng gió thêm chút rau; ồ à thích thú với mọi thứ trái cây chẳng khác gì ở Việt Nam trong nắng hầm hập chợ chiều và lang thang lóa mắt trong ánh đèn màu lung linh huyền ảo tại chợ đêm, lựa chọn tìm quà lưu niệm mọi thể loại, kích cỡ, hầu hết là sản phẩm của chính người Lào, dẫu bằng gỗ, đá, bạc, thổ cẩm hay những lá dù rực rỡ đủ sắc màu… đủ để hiểu sức hấp dẫn đến khó cưỡng của một cố đô thanh lặng mà trầm mặc, giấu trong mình sắc thái riêng, rất Lào.

Dường như đó cũng là điều tiên quyết để nhiều thế hệ người Việt chọn nơi đây định cư. Ngay trên đường đi, chúng tôi đã biết thêm nhiều chuyện thú vị về người Việt sang làm ăn ở Luang Phrabang. Khi chúng tôi dừng giữa chợ hỏi đường, mới nghe thấy nói tiếng Việt, thiếu phụ bán  bắp nướng đã chỉ sang quầy vịt quay gần ngay cạnh đó. Hòa, cô gái  chừng ba mươi tuổi người Nghệ An cười rất tươi khi cho biết xe chúng tôi rẽ nhầm nơi vòng xuyến, phải quay lại và thay vì rẽ phải, sẽ rẽ trái để vào trung tâm. Xe dừng lại ngay khi nhìn thấy một quán ăn có chữ “Phở” trong ánh đèn nhấp nháy hoàn toàn bằng tiếng Việt, để gặp một bà chủ nhà hàng người Thanh Hóa, lại hết sức tận tình chỉ dẫn. Cả hai người phụ nữ đều đã có hơn 10 năm buôn bán ở Luang Phrabang. Xe  chầm chậm trôi giữa những con phố bóng đêm đã rủ xuống, chật ních hàng quán sáng ánh đèn đủ màu nhưng đã thưa vãn bóng người. Lại dừng hỏi đường. Một thiếu nữ Huế rặt giao cửa hàng lại cho em gái, chạy xe máy đưa chúng tôi đến tận cửa khách sạn MeKong sang trọng ngay ven bờ sông. Thủy mới hai mươi tuổi, đưa em gái 16 tuổi cùng sang, thuê  nhà mở một tiệm uốn tóc nho nhỏ. Rất Huế, bởi sự nhỏ nhẹ và dáng vẻ dịu dàng, Thủy bảo hai chị em đủ sống nhưng chỉ buồn vì nhớ cha mẹ, nhớ quê, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán khi mọi gia đình đều sum họp bên nhau.  Sang đã ba năm, hai chị em chưa có dịp về thăm nhà. Khách sạn nơi Thủy đưa chúng tôi tới, cũng của người Việt. Vợ chồng Trung chung vốn mở khách sạn với một người bạn. Khách sạn Si Sam Wat nằm kề ngôi chùa cổ Wat Ma Nô Rom, sân đầy cây xanh và cảnh quan dân dã Việt Nam với những chum, gộc tre, nơm, nón, bàn ghế hoặc gỗ hoặc tre nứa. Dạ lan tràn đầy trên tường rào, thoang thoảng tỏa thơm khắp không gian một sàn nứa hẹp có mái phủ đầy dây leo. Từng nhiều năm công tác ở Lào và nhất là ở Luang Phrabang, năm ngoái Trung  xin thôi việc, đưa vợ con sang Luang Phrabang thuê đất mở khách sạn. Tháng đầu khai trương đã kín khách. Ngoài khách sạn Me Kong sang trọng ở phố Tây chung vốn với bạn, hai khách sạn ở bản đều dành cho du lịch bụi. Khách muốn nghỉ phải đặt trước qua mạng, nếu không khó lòng mà có chỗ. Mới cuối tháng 10 nhưng đã kín phòng cho đến tận tết dương lịch. Trung bảo, người Việt qua đây, xa xôi thật, nhưng dù ít hay nhiều vốn cũng dễ làm ăn. Người Lào trung thực, dễ mến và nhất là không hay cạnh tranh nên ai cũng sống được. Cứ nộp đủ thuế là chẳng bị hạch sách hay phiền hà gì.

Một lần nữa trên đường rừng quay lại Điện Biên, chúng tôi bình luận về những cái tên khó đọc nhưng thân quen, ngắm các bản làng, với những nếp nhà sàn yên bình nép mình dưới đám cây xanh, soi bóng bên dòng suối, hay hàng loạt các kho thóc nho nhỏ dựng sát đường quốc lộ, không khác gì những tuyến đường Tây bắc vừa đi qua, hay ở Tây Nguyên thuở chưa xa nào…

Mới rời đi đã nhớ nhịp sống chầm chậm Luang Phrabang…

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.