Chạy theo di tích !
Những di tích mà cha ông để lại cho chúng ta hôm nay là vốn quý. Tuy nhiên, cũng đừng vì những động cơ khác nhau mà cố tình “chạy” để được công nhận và xếp hạng cấp này, cấp nọ... Ở đây, vấn đề quan trọng đặt ra là phải có thái độ ứng xử phù hợp và đúng mực đối với từng di tích đang hiện hữu.
Đắk Lắk là một trong những tỉnh, thành phố có mật độ di tích khá dày, với 22 di tích đã được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Được biết sắp tới, ngành văn hóa sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, công nhận thêm nhiều di tích nữa trong số gần 60 địa chỉ đã được khảo sát và khoanh vùng bảo vệ từ năm 1998 đến nay. Nhiều người quan tâm đến vấn đề này cho rằng, về mặt số lượng thì ít nhiều không quan trọng, chỉ xin lưu ý đến “khái niệm về di tích” hiện nay chưa thật sự chuẩn xác, thậm chí có vấn đề trong quá trình thẩm định và công nhận (!?). Bởi thực tế cho thấy không phải công trình nào có “tuổi tác” đều được coi là di tích. Di tích phải hàm chứa trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật và khoa học nhất định. Nói đúng hơn là phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đặt ra của Luật Di sản (như giá trị tiêu biểu, đặc biệt và kiệt xuất cho một giai đoạn lịch sử, một nền nghệ thuật, một trào lưu tư tưởng). Ngoài ra còn phải cân nhắc thêm những yếu tố như nổi trội, hiếm có và duy nhất còn sót lại.
Biệt điện Bảo Đại - Di tích cấp quốc gia chưa thật sự hấp dẫn du khách do hiện vật liên quan đến di tích này còn quá ít. |
Với những yêu cầu, tiêu chí trên thì rõ ràng con số 22 di tích (lịch sử, văn hóa - nghệ thuật và danh thắng) mà cơ quan chức năng đưa ra đã là “chính danh ngôn thuận”? Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng ở Đắk Lắk nhận xét: “Chính danh” thì đã rồi, nhưng “ngôn thuận” vẫn còn phải xem lại trên mức độ và khía cạnh nhạy cảm - rằng liệu có tình trạng chạy theo “bệnh thành tích” hay không? Bởi thực tế cho thấy địa phương nào cũng đề đạt, yêu cầu cơ quan chức năng khảo sát, quy hoạch và công nhận một (hoặc nhiều) di tích trên địa bàn của mình quản lý. Không có đình chùa, miếu mạo… hay công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo nào đó thì cũng tìm cho được những danh thắng (như sông suối, hồ, thác và thậm chí là một ngọn đồi, cánh rừng) trình lên cấp trên mong được công nhận và xếp hạng di tích. Thêm nữa, thời gian gần đây các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương có chủ trương “mở rộng” danh sách di tích được xếp hạng - từ cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt… nên đã không tránh khỏi tình trạng địa phương nào cũng cố chạy theo di tích cho bằng được! Điều đó không bàn thêm, vấn đề là ở chỗ khi có di tích rồi thì câu chuyện quản lý, bảo tồn và phát huy vốn quý ấy trở nên “nóng bỏng” hơn lúc nào hết.
Trên địa bàn Đắk Lắk, ngoài 4 di tích cấp quốc gia được Trung tâm Quản lý Di tích tỉnh trực tiếp quản lý (Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột và Đồn điền CADA), số còn lại đều rơi vào tình trạng vô chủ, hoặc “cha chung không ai khóc”, dẫn đến xảy ra những chuyện “bi hài” mà dư luận, báo chí đã phản ánh: là danh thắng thác Dray Nur, Thủy Tiên, Hồ Lắk… khô kiệt và đang bị xâm hại nghiêm trọng; các công trình lịch sử - văn hóa, tôn giáo như bến phà Sêrêpốk trên cung đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, hay tháp Chàm Yang Prông (huyện Ea Súp) đã bị biến dạng và có nguy cơ biến mất do cảnh quan, môi trường bị tổn thương quá nặng. Còn số di tích được xem là đã có chủ thì sao? “Nhãn tiền” hiện rõ: Biệt điện Bảo Đại, Đồn điền CADA vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, bất cập xảy ra - đó là không đủ kinh phí để trùng tu, tôn tạo khiến di tích ngày càng xuống cấp. Bà H’Nga Byă - Trưởng Phòng Quản lý, phát huy di tích (Trung tâm Quản lý Di tích Đắk Lắk) phân giải: Sau gần 3 năm đóng cửa (2013-2015) để tìm mua, phục dựng lại không gian, nội thất Biệt điện Bảo Đại cho đầy đủ và xứng đáng với giá trị lịch sử vốn có của di tích, nhưng đến nay - sau khi mở cửa trở lại thì hiện vật có được bài trí ở đây vẫn còn quá “mỏng” nên không thể phát huy được. Nguyên nhân cũng do kinh phí eo hẹp, chỉ 40-50 triệu đồng thì chỉ đủ mua bộ bàn ghế làm việc, tiếp khách cùng vài bức ảnh về vị vua cuối cùng triều Nguyễn đã từng công du và lưu lại nghỉ ngơi ở Buôn Ma Thuột trong giai đoạn lịch sử 1947-1954. Những di tích khác, không nói đâu xa - ngay trên địa bàn thành phố cũng vậy, sơ sài về hiện vật và đang trong quá trình bị hủy hoại về mặt kiến trúc, công năng cũng như giá trị lịch sử - văn hóa toàn cục vì không bố trí được nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo lại - Bà H’Nga cho biết thêm.
Có thể nói, di tích Đắk Lắk vẫn đang loay hoay trong việc bảo tồn và phát huy giá trị sau khi được công nhận, xếp hạng (cấp tỉnh, quốc gia và cả quốc gia đặc biệt). Làm sao để khắc phục được tình trạng này là vấn đề đang đặt ra với các cấp chính quyền và cơ quan có chức năng để mỗi di tích được tồn tại đúng nghĩa.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc