Huyện Cư M'gar: Kiểm kê vốn văn hóa truyền thống để có định hướng phát triển
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cư M’gar vừa phối hợp với chính quyền 15 xã và 2 thị trấn tiến hành kiểm kê vốn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn để có định hướng phát huy trong thời gian tới.
Kết quả bước đầu cho thấy hiện có 49/71 buôn, làng có cồng chiêng, 568 nghệ nhân biết sử dụng chiêng và 25 đội chiêng trẻ được đào tạo bài bản từ năm 2008 đến nay. Toàn huyện có 265 bộ chiêng , trong đó có 62 bộ chiêng quý (trên 100 tuổi), 47 chiếc trống Hgơh cổ, 76 ghế Kpan và hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc khác được các dòng họ, cộng đồng sở hữu.
Ama Thiêm ở Buôn Tul (xã Ea Tul-Cư M'gar) gìn giữ nguyên vẹn bộ chiêng cổ của gia đình |
Từ vốn văn hóa này giúp các buôn làng có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phóng phú, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó có 7 lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm (thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau): Lễ hội Ăn cơm mới của đồng bào Sê đăng (buôn Kon H'ring-xã Ea H'ding), Lễ hội Mừng mùa của đồng bào Thái (làng Thái-xã Ea Kuếh), Lễ hội Cầu an của dân tộc Dao (thôn Bình Minh-xã Cư Suê), Lễ hội Cồng chiêng của người Êđê (Buôn Tar-xã Ea Đrơng), Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng (xã Cư M’gar); Lễ cúng Bến nước (buôn Ea Tul-xã Ea Tul), Lễ Mừng chiến thắng của dân tộc Vân Kiều (xã Quảng Hiệp).
Lễ Ăn cơm mới của cộng đồng người Sê đăng buôn Kon H'ring được tổ chức vào ngày Tết Dương lịch hàng năm |
Được biết, ngành chức năng huyện Cư M'gar đang xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn và phát huy vốn văn hóa các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Trong đó 7 lễ hội trên sẽ tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng quy mô tổ chức nhằm gắn kết với hoạt động phát triển du lịch ở địa phương.
Đ.Đ
Ý kiến bạn đọc