Multimedia Đọc Báo in

Những sản vật của huyện Lắk

07:32, 10/01/2016

Được thiên nhiên ưu đãi nhiều điểm du lịch hấp dẫn, huyện Lắk đã và đang trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Đến đây, ngoài những thú vui như cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, tham dự đêm lửa trại cùng với  đồng bào dân tộc thiểu số bản địa... thì du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của huyện Lắk.

Nhờ có nhiều ao hồ lớn đã mang lại những nguồn lợi thủy sản cho người dân huyện Lắk. Những sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này rất đa dạng, từ cá trắm, cá lăng, cá bống, đến tôm đồng, lươn, cua, ếch… Từ những nguồn nguyên liệu này, người dân địa phương đã chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, có “thương hiệu” riêng như: cá bống kho, cá lóc phơi khô,… và nổi tiếng nhất là chả cá thát lát. Vào những ngày này, cơ sở chế biến chả cá thát lát của gia đình bà Lê Thị Hai ở tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn luôn rộn ràng những âm thanh cành cạch bằm hành, tỏi và tiếng thình thịch chày cối quết cá. Theo bà Hai, sở dĩ món chả cá thát lát ở huyện Lắk đặc biệt và nổi tiếng là do ở đây có nhiều cá thát lát tự nhiên. Đặc điểm để nhận biết cá thát lát tự nhiên là dựa vào màu sắc và trọng lượng của cá (thát lát tự nhiên có màu trắng và trọng lượng tối đa chỉ khoảng 3 lạng). Để chả cá thơm, ngon tự nhiên thì cá thát lát sau khi mua về được cắt bỏ đầu, lòng, rửa sạch phơi ráo, sau đó dùng dao khứa đôi cá theo chiều sống lưng và dùng muỗng nạo lấy phần thịt. Thịt cá sau khi được bào mỏng, ướp gia vị hành, tỏi, bột nêm được cho vào cối đá quết nhuyễn. Đây là công đoạn “nhọc nhằn” nhất nhưng quyết định đến chất lượng chả cá có ngon, dai, thơm hay không. Anh Ama Thái, chủ một cơ sở ăn uống tại buôn Lê, thị trấn Liên Sơn cho biết, khách du lịch đến tham quan hồ Lắk, sau khi cưỡi voi, ngắm cảnh thường gọi các món được chế biến từ chả cá thát lát như lẩu, chả cá thát lát chiên, cá thát lát nấu canh chua, canh khổ qua nhồi chả cá thát lát…

Bà Lê Thị Hai (bìa phải) cùng gia đình đang chế biến chả cá thát lát.
Bà Lê Thị Hai (bìa phải) cùng gia đình đang chế biến chả cá thát lát.

Bên cạnh những nguồn lợi thủy sản, huyện Lắk còn có những cánh đồng màu mỡ ở các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Nuê… Chính những cánh đồng này là điều kiện và lợi thế để người dân chăn nuôi các loại gia cầm, đặc biệt là nuôi vịt đồng. Khi bà con nông dân thu hoạch lúa xong cũng là thời điểm những người chăn nuôi đưa vịt ra đồng tận dụng những hạt lúa còn sót lại để làm thức ăn. Nhờ chăn nuôi tự nhiên nên vịt và trứng vịt tại huyện Lắk được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Nhựt, chủ lò ấp trứng gia cầm Nhựt Nguyên ở thị trấn Liên Sơn cho hay: Trứng gia cầm nói chung và trứng vịt tại huyện Lắk nói riêng nổi tiếng không chỉ ở vị thơm ngon tự nhiên mà còn độc đáo bởi vì có trứng vịt hai lòng đỏ. Những cánh đồng màu mỡ, đầy tôm tép chính là nguồn dinh dưỡng để vịt đẻ ra loại trứng độc đáo này. Trọng lượng, kích thước và giá bán loại trứng này cũng cao hơn trứng bình thường. Người dân rất ưa chuộng loại trứng này nên số lượng mua nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng sẵn hàng để bán. Chị Trịnh Hồng Hạnh, nhà ở TP. Buôn Ma Thuột vui vẻ nói: “Tôi có nhà người quen ở huyện Lắk nên thường xuống đây chơi. Mỗi lần xuống tôi đều mua vài chục quả trứng vịt lên ăn và làm quà biếu. Mọi người đều tấm tắc khen trứng ngon và thỉnh thoảng nhờ tôi mua về. Tôi không biết giá trị dinh dưỡng của trứng vịt hai lòng đỏ có cao hơn trứng bình thường hay không, nhưng nhìn rất thích mắt, khi ăn cũng có cảm giác ngon miệng hơn”.

Cùng với những sản vật mang nét đặc trưng cao nguyên như: cà phê, rượu cần, cà đắng… thì những món ăn bình dị và dân dã của huyện Lắk đã góp phần tạo thêm sức hút đối với du khách mỗi khi đến thăm thú, thưởng ngoạn vùng đất này.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.