Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội truyền thống Hà Bắc trên đất Ea Kar

16:49, 22/02/2016
Những ngày vui Xuân Bính Thân 2016 vừa qua, Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar luôn tấp nập và đông vui. Người dân đến đây để được hòa mình vào những trò chơi dân gian, các làn điệu quan họ đất Kinh Bắc tại Lễ hội truyền thống Hà Bắc lần thứ hai.
 
Từng liền anh, liền chị trong những bộ áo dài 5 thân, áo “mớ ba, mớ bảy”, náo nức đến dự hội và biểu diễn những làn điệu quan họ đằm thắm như mời gọi du khách phương xa dừng chân, chung vui với Lễ hội. Liền chị Nguyễn Thị Hải, duyên dáng sửa lại chiếc khăn mỏ quạ và nón quai thao để chuẩn bị cho tiết mục “Mời nước, mời trầu” của CLB quan họ Quê hương (huyện Ea Kar) biểu diễn tại Lễ hội. Chị Hải tâm sự: “18 thành viên của CLB đã luyện tập rất chăm chỉ; có những tiết mục cổ như “Mời nước, mời trầu” kết hợp với quan họ lời mới như “Ngày ấy anh về Ea Kar”... đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng để không phụ lòng những du khách về đây dự hội”.

Phần thi vật cổ truyền của ngày hội cũng thu hút đông đảo thanh niên đến thử tài, giao lưu và kết bạn. Anh Trần Văn Hòa, quê Bắc Ninh hiện sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Vừa xuống xe thăm người bà con tại xã Ea Ô, biết tin ở đây có tổ chức Lễ hội truyền thống, tôi cùng gia đình liền tham gia và đăng ký thi đấu môn vật. Tham gia ngày hội thật vui và tôi đã giành chiến thắng trong trận thứ hai rồi, không mấy khi được giao lưu, gặp gỡ với đồng hương Hà Bắc ở đây thế này nên trò chuyện rôm rả lắm”. Còn anh Nguyễn Ngọc Bảo, quê ở Hà Nội vào thăm và ăn Tết ở nhà người thân tại huyện Ea Kar cũng háo hức tham dự môn cờ bỏi được tổ chức tại Lễ hội. Anh Bảo hào hứng nói: “Về Đắk Lắk ăn Tết, tôi không nghĩ lại được dự một Lễ hội đông vui như vậy. Cảm ơn những người đã tổ chức lễ hội và nếu có dịp tôi nhất định lại vào tham dự và chung vui với người dân nơi đây”.

Biểu diễn hát quan họ tại Lễ hội truyền thống Hà Bắc huyện Ea Kar mở rộng lần 2.
Biểu diễn hát quan họ tại Lễ hội truyền thống Hà Bắc huyện Ea Kar mở rộng lần 2.

Đây là lần thứ hai Lễ hội truyền thống Hà Bắc mở rộng do Hội đồng hương Hà Bắc huyện Ea Kar tổ chức đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo người dân trên địa bàn. Ông Vũ Mạnh Thu, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hà Bắc, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Mỗi năm Xuân về Tết đến, tại mỗi thôn, xã ở đất Kinh Bắc đều tổ chức các lễ, hội. Người Hà Bắc vào vùng đất Ea Kar lập nghiệp cũng đã được 30, 40 năm đều mong mỏi là nếu không về quê để xem hội thì tổ chức một ngày hội tại quê hương thứ hai này. Năm 2005, Hội đồng hương Hà Bắc huyện Ea Kar được thành lập và bắt đầu từ Xuân 2015 thì Lễ hội được chính thức tổ chức. Lễ hội là dịp giao lưu văn hóa của vùng đất Kinh Bắc với nhân dân các vùng miền và cũng là dịp để bà con ôn lại truyền thống quê hương. Năm nay vui hơn là có sự tham gia của những con dân đất Kinh Bắc đang sinh sống tại tỉnh Gia Lai cùng về chung vui với ngày hội”.

Theo bà Nguyễn Thị Sáng, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ea Kar, việc tổ chức Lễ hội truyền thống Hà Bắc đã được các cấp chính quyền của huyện đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện để tổ chức. Nhằm thu hút đông đảo du khách, cũng như tạo sân chơi tinh thần cho người dân, huyện cũng đã đồng ý tổ chức thường niên lễ hội này.

Ông Bùi Văn Khối, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, bên cạnh Lễ hội truyền thống Hà Bắc ở huyện Ea Kar, nhiều lễ, hội mang đậm bản sắc văn hóa như: Lễ hội đua thuyền Ea Hu (Cư Kuin), Lễ hội Lồng Tồng ở Cư M’gar và Krông Pắc, chọi bò ở Krông Bông... cũng được tổ chức. Đây là hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc, từ đó tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho người dân trong những dịp lễ, Tết.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.