Vui cùng Lễ hội Lồng Tồng ở Cư M'gar
Đến hẹn lại lên, cứ mồng 6 Tết âm lịch hằng năm, đồng bào Tày, Nùng ở thôn 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar lại tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng)...
Vào Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp từ những năm 1990, đồng bào Tày, Nùng ở Cư M’gar vẫn đề cao ý thức lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình, Lễ hội xuống đồng vẫn được duy trì tổ chức đều đặn hằng năm. Bà Bế Thị Đà (dân tộc Tày), một trong những người cao tuổi nhất, nhì ở thôn 3 nhớ lại, Lễ hội Lồng Tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày mồng 2 đến 30-1 âm lịch để mở đầu mùa gieo trồng mới. Di cư vào miền đất mới lập nghiệp, cộng đồng người Tày, Nùng ở đây đã thống nhất ấn định ngày mồng 6 Tết hằng năm để tổ chức lễ hội (diễn ra trong 1 ngày) và vẫn theo tục lệ từ ngàn xưa, chia làm hai phần lễ và hội.
Các món ẩm thực truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trong ngày hội. |
Phần lễ diễn ra khá trang trọng, gồm các nghi lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa diễn ra trên khoảng đất rộng, bằng phẳng ngay sát chân ruộng của người dân. Việc tế lễ do người già, có uy tín trong làng đảm nhận, mâm lễ được dâng lên gồm một con gà, xôi ngũ sắc, rượu, bánh khảo, hoa, quả, tiền mã… khấn cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, dân khang, vật thịnh, mở đầu một mùa cày cấy thuận lợi, mùa màng bội thu. Ông Phan Thái Lương, Bí thư chi bộ thôn 3 cho hay, trước đó cả tháng, người dân trong thôn đã họp bàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, gái trai phụ giúp trồng cây nêu, tạo quả còn sặc sỡ nhiều màu sắc, tua rua ngũ sắc, làm bánh trái, chuẩn bị trang phục, các tiết mục đàn tính, hát then truyền thống của dân tộc mình… để phục vụ lễ hội.
Sau phần lễ, mọi người bắt đầu vào phần hội, đây là phần được nhiều người mong đợi nhất. Trong những ngày đầu xuân năm mới, phần hội càng trở nên sôi nổi với các trò chơi dân gian như bịt mắt đánh trống, đi qua cầu kiều và giao lưu ẩm thực, đã thu hút đông đảo bà con trên địa bàn đến tham gia. Dịp này, chắc chắn không thể thiếu các món ăn dân dã, mang đậm truyền thống dân tộc Tày, Nùng như Puất cháo (vịt quay), bánh dày (pẻng dày), phúng xòong ( lạp xưởng), khẩu nua đăm đeng (xôi ngũ sắc)…
Điều đặc sắc nhất trong Lễ hội Lồng Tồng có lẽ là hội còn. Ai đến với lễ hội hẳn không thể bỏ qua hội tung còn. Khi hội khai còn được tuyên bố, đôi còn được tung lên trong đôi tay những chàng trai, cô gái cũng là lúc chính thức bắt đầu cho cuộc vui. Trong hội này, một thứ không thể thiếu là cây nêu cao từ 15-20 m, được dựng lên ở giữa ruộng, trên đỉnh cao nhất của cây nêu người ta gắn vòng tròn có tâm màu đỏ; mọi người xúm lại thi nhau ném những quả còn (được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc) lên cao, sao cho đi qua trúng hồng tâm để chờ đợi điều may mắn đến với mình, mùa màng năm ấy bội thu.
Khi quả còn được tung lên cao cũng là lúc tiếng cười giòn dã ngân vang, điệu hát then cất lên, không khí của lễ hội càng trở nên sôi động. Không hẹn mà gặp, già, trẻ, gái trai từ nhiều xã lân cận cũng xúng xính trong trang phục truyền thống đến vui lễ hội. Ông Nguyễn Trung Kiên, dân tộc Tày (thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) chia sẻ, xa quê bao nhiêu năm, Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức ở đây không khác gì lễ hội được tổ chức ngay trên chính mảnh đất quê hương, làm ông nhớ quê da diết và càng thấy yêu hơn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều quan trọng hơn, nhờ vào những dịp như thế này mà thế hệ con cháu sau này được sinh ra, lớn lên trên vùng đất mới vẫn nhớ về nguồn cội, giữ gìn và tô thắm thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Quang Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho hay, trong những năm gần đây đời sống văn hóa, tinh thần của bà con ngày càng cao, cùng với sự quan tâm của chính quyền, Lễ hội Lồng Tồng diễn ra ngày càng sôi nổi, tái hiện cơ bản đúng theo phong tục, quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng phía Bắc. Hiện thôn 3 xã Cư M’gar có 96 hộ với 440 khẩu, trong đó, có đến 50% là đồng bào Tày, Nùng. Lễ hội được coi là sự kiện văn hóa giàu tính nhân văn của người dân nơi đây, qua đó, tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn ngày càng được thắt chặt.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc