Độc đáo cồng chiêng người Mường
Di cư từ Hòa Bình vào Đắk Lắk những năm 1954, cộng đồng người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ được nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó độc đáo nhất là văn hóa cồng chiêng.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng (53 tuổi) ở thôn 3, xã Hòa Thắng, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn được xem là linh vật không thể thiếu trong đời sống của người Mường. Cồng chiêng có ý nghĩa hết sức đặc biệt và gắn bó mật thiết với người Mường từ khi sinh ra cho đến khi trở về với ma Mường. Khác với người Êđê và người Kinh, người Mường dùng chung cụm từ “cồng chiêng” để đặt tên cho loại nhạc cụ hình tròn được làm bằng đồng, bề mặt có gờ sóng nông, giữa có núm khi gõ vào phát ra âm thanh.
Đoàn viên thanh niên xã Hòa Thắng học đánh cồng chiêng Mường. |
Dàn cồng chiêng Mường đầy đủ gồm có 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm, tên được đặt theo từng chiếc hoặc từng nhóm như: Chiêng Gọi là chiếc đánh mở đầu bài nhạc; chiêng Boòng Beng là một đôi cỡ nhỏ có âm vang cao nhất, Đủm là đôi cồng chiêng trung; Dàm là chiếc cồng chiêng to có âm trầm nhất… Cồng chiêng Mường được đánh bằng dùi và hầu như chỉ dành cho nghệ nhân nữ. Bà Hằng cho hay, điều quan trọng nhất khi đánh cồng chiêng Mường là phải nắm được cái hồn của bài chiêng, trước tiên phải biết lắng nghe, cảm nhận âm hưởng, giai điệu, tiết tấu của bài cồng chiêng. Với người mới học phải mất từ mười ngày đến hơn một tháng mới cơ bản nắm bắt lý thuyết và đánh đúng âm. Tuy có kích thước to, nặng, nhưng cồng chiêng Mường lại có lối đánh nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi diễn tấu phải đánh thẳng, đánh dứt khoát vào núm cồng nhưng tay vẫn phải mềm mại, nhẹ nhàng khi đó tiếng cồng chiêng mới ngân vang. Trước khi đánh, người nghệ nhân thường xoa núm cồng từ 15 đến 20 phút cho nóng lên để khi đánh âm cồng chiêng sẽ ấm và ngân vang hơn.
Đến nay, người Mường ở xã Hòa Thắng vẫn còn giữ được truyền thống đánh cồng chiêng trong lễ Hạ Điền vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm, hay trong các dịp lễ trọng đại của đất nước hoặc khi có khách quý tới thăm. Tuy nhiên, theo nhịp chảy của cuộc sống hiện đại, việc lưu truyền và bảo tồn cồng chiêng Mường đang là thách thức không nhỏ. Trước nguy cơ văn hóa cồng chiêng ngày càng mai một, bà Hằng cùng nhiều cụ bà khác trong làng đã tập hợp con cháu người Mường lại để truyền dạy các bài cồng chiêng. Được thành lập từ nhiều năm nay, lớp cồng chiêng Mường ở xã Hòa Thắng không chỉ thu hút học viên là người dân tộc Mường mà còn có đông đảo các học viên người Kinh, người Êđê ở các thôn, buôn trên địa bàn tham gia. Khi trước, việc dạy cồng chiêng hầu hết do những cụ bà lớn tuổi, giàu kinh nghiệm đảm nhận, nhưng nay vì tuổi cao sức yếu, các cụ không thể tham gia nên số lượng người có khả năng truyền dạy cồng chiêng còn khá ít. Trong khi đó, hầu hết các học viên đều chưa qua trường lớp thanh nhạc, việc dạy học chủ yếu là truyền miệng nên gặp không ít khó khăn.
Trong số 20 học viên đang theo học lớp cồng chiêng Mường thì em Trịnh Thị Hương (đoàn viên chi đoàn thôn 5) là gương mặt mới nhất. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học vào năm 2012, Hương bắt đầu tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương. Trong các buổi giao lưu văn nghệ, được xem các tiết mục cồng chiêng Mường, Hương cảm thấy yêu thích nên tham gia lớp học đánh chiêng. Hương chia sẻ: “Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đánh cồng chiêng Mường là dễ nhưng thật sự rất khó. Do không am hiểu nhiều về nhạc lý, lại không có giáo trình, các bà, các cô dạy theo phương pháp truyền miệng nên em tiếp thu còn chậm. Những ngày mới học, những khi đánh lỗi nhịp, hay gõ chiêng bị câm em cảm thấy rất nản. May mắn được sự động viên của các anh chị trong lớp học, sự tận tâm chỉ dạy của các bà, các cô giúp em có động lực để theo đuổi niềm đam mê với cồng chiêng Mường”.
Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê, với nhiều học viên, việc học đánh cồng chiêng Mường còn thể hiện ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nét văn hóa dân tộc đặc sắc đang dần bị mai một. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bà và mẹ là những nghệ nhân cồng chiêng, dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Lê Thị Hiền Trâm (đoàn viên chi đoàn thôn 3) đã có hơn 10 năm theo học cồng chiêng Mường. Tới nay Trâm đã biết diễn tấu các bài mừng mùa, mừng khai hạ, mừng khách... Bên cạnh việc trau dồi kỹ năng đánh chiêng, học hỏi thêm các bài chiêng mới, Trâm còn nhiệt tình chia sẻ những hiểu biết của bản thân về cồng chiêng cho các bạn trong lớp. Trâm tâm sự: “Dàn cồng chiêng được người Mường chúng em quí trọng, coi như vật gia bảo. Phụ nữ Mường khi xưa không ai là không biết đánh cồng chiêng, thế nhưng giờ đây nét văn hóa này đang dần mai một. Việc tham gia học diễn tấu cồng chiêng là môi trường tuyên truyền hiệu quả giúp người Mường nói riêng, các dân tộc bản địa nói chung có ý thức lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại”.
Chị Hoàng Thị Thủy, Bí thư Đoàn xã Hòa Thắng cho biết, để đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Mường, hằng năm, chính quyền địa phương đều phối hợp với Đoàn xã tổ chức các lớp học cồng chiêng thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Tới nay, xã đã thành lập được đội văn nghệ cồng chiêng Mường tham gia biểu diễn trong các hội thi và đạt được những thành tích đáng mừng. Việc mở lớp truyền dạy những kỹ năng, kiến thức cơ bản về dân ca và nhạc cụ truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, hạt nhân văn nghệ làm công tác văn hoá thông tin cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc