Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng vào Hội Buôn Đôn

10:08, 11/03/2016
Từ ngày 12 đến 14-3, tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn 2016. Đây được xem là lễ hội quan trọng của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
 
Cho đến lúc này, mọi công tác chuẩn bị đã được các cấp, ngành và nhân dân, đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn hoàn tất...
Những chú voi Buôn Đôn sẵn sàng vào hội.
Những chú voi Buôn Đôn sẵn sàng vào hội.

Khoảng sân trước Nhà Văn hóa cộng đồng xã Krông Na những ngày đầu tháng 3 này sôi động hơn rất nhiều khi 18 chú voi của xã Krông Na, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Công ty TNHH MTV XNK 2-9, Khu Du lịch Sinh thái Bản Đôn về đây tập luyện môn voi đá bóng để chuẩn bị cho ngày hội. Sân thi đấu cho voi đã được thanh niên trong xã kẻ sân, đặt gôn, căng lưới đúng vị trí. Những chú voi vốn dĩ to lớn nên trông có vẻ chậm chạp và vụng về, thế nhưng khi bắt đầu trận bóng bỗng trở nên nhanh nhẹn và uyển chuyển như những “cầu thủ” bóng đá thực thụ. Mỗi khi nài voi hô lên, 3-4 chú voi cùng lao về những quả bóng và... sút. Mỗi lần như vậy, những tiếng hò reo, cổ vũ của người dân xung quanh lại vang lên: “Voi sút bóng rồi kìa...”. Y Nhất Byă hào hứng với lần thứ 3 được cùng “nàng” voi H’Plo của mình tham gia Lễ hội. Y Nhất khoe: “Mấy hôm nay H’Plo đã đá bóng thuần thục rồi, không còn đạp bẹp bóng như những bữa đầu nữa, đỡ tốn thêm tiền mua bóng cho “nàng” luyện tập. Trong ngày hội, nhất định H’Plo của mình sẽ thi đấu xuất sắc và ghi bàn”. Những trận đấu tập của các chú voi luôn thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ, trong đó có không ít khán giả nhí.

Giờ nghỉ giải lao khi những cây mía, thùng nước được mang ra cũng là lúc ông Y Ka Byă, Trưởng tiểu ban điều hành voi cẩn thận đi kiểm tra sức khỏe của từng chú voi . Ông Y Ka cho biết: “Năm nay, để bảo đảm sức cho voi, ngoài việc bồi dưỡng thêm thức ăn, nước uống cần thiết, Ban tổ chức cũng đã cấp kinh phí cho voi và nài voi là 1,8 triệu đồng/ngày khi tham dự Lễ hội”.

Những chú voi Buôn Đôn tập luyện đá bóng chuẩn bị cho Lễ hội.
Những chú voi Buôn Đôn tập luyện đá bóng chuẩn bị cho Lễ hội.

Còn tại nhà của già Y Thơ Byă, già làng Buôn Đôn, những ngày này cũng tấp nập, đông vui khi gần 30 ché rượu được mọi người mang về đây, tập trung tại ngôi nhà dài của già để chuẩn bị cho lễ cúng và các hoạt động văn hóa của Lễ hội. Già Y Thơ bày tỏ: “Những ché rượu này đã lên men được 3 - 4 tháng nay rồi. Heo cũng đã chuẩn bị sẵn hơn chục con. Rượu ngon giờ chỉ còn chờ đãi khách nữa mà thôi. Năm nay, mọi lễ vật để chuẩn bị cho Lễ cúng thần linh, Lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi đã được đồng bào trong buôn chuẩn bị kỹ lưỡng, cầu mong một mùa vụ bội thu và tươi tốt”.

Với các đơn vị du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Lễ hội cũng là dịp để họ thực hiện quảng bá các chương trình, hình thức tham quan, du lịch từ đó thu hút thêm du khách. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Công ty TNHH MTV XNK 2-9 cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 42.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm các hình thức du lịch tại đây. Ông Đức chia sẻ: “Ngay từ đầu tháng 1-2016, chúng tôi đã gửi thư ngỏ đến các đơn vị lữ hành, cơ quan thường xuyên đưa khách đến với Buôn Đôn những chương trình, nội dung để quảng bá và thu hút khách đến chung vui với Lễ hội. Bên cạnh đó, với dự báo lượng khách về tham dự Lễ hội sẽ tăng cao nên khu du lịch cũng đã tích cực chuẩn bị kiểm tra cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị để bảo đảm an toàn thực phẩm, không có tình trạng tăng giá vé nhằm tạo không khí vui tươi, an toàn cho du khách”.

Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết, đã huy động mọi nguồn lực hiện có của địa phương để tổ chức chu đáo, phù hợp, thu hút sự quan tâm của du khách cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. “Mọi công tác chuẩn bị đã xong, giờ chỉ còn chờ tiếng chiêng khai mạc để Lễ hội chính thức được bắt đầu...”, ông Thoại cho hay.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.