Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo tục cưới hỏi của người Ve

11:41, 02/04/2016
Tục cưới hỏi của người Ve ở vùng cao huyện Nam Giang (Quảng Nam) mang nhiều nét độc đáo với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân cư miền núi.

Khi đến tuổi trưởng thành, nam nữ người Ve thường tìm hiểu nhau trong những ngày đi làm nương rẫy, vào những buổi tối cùng bạn bè đi chơi, những lúc tập trung ở nhà cộng đồng hay vào dịp lễ hội truyền thống... Cả trai lẫn gái đều có quyền chủ động bày tỏ trước, nhưng để thiết lập quan hệ hôn nhân giữa hai gia đình, người con trai sẽ chủ động báo cho cha mẹ biết để tìm mai mối.

Theo truyền thống của người Ve, lễ dạm hỏi bao giờ cũng được tiến hành vào một dịp trăng tròn, rất tốt cho việc kết hôn bởi quan niệm đôi vợ chồng sẽ không lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống. Trong lễ dạm hỏi, người làm mối đi một mình không mang theo lễ vật gì và khi đến cầu thang nhà gái phải xin phép lên nhà. Sau khi trò chuyện, cả khách lẫn chủ đều dùng cách nói hình tượng đối đáp với nhau để bày tỏ ý kiến của mình, hiếm khi họ nói trực tiếp vào vấn đề. Trường hợp nhà gái không đồng ý, người làm mối về báo họ nhà trai biết và hẹn ngày quay lại. Người mai mối quay lại nữa hay không là do yêu cầu của nhà trai, nhưng lòng tự trọng và luật tục không cho phép đi quá 3 lần. Thời gian quay lại nhanh nhất là 3 ngày, chậm nhất là 1 tháng. Nếu được nhà gái đồng ý, người làm mối về báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ cưới. Thời gian chuẩn bị nhanh hay chậm phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Tục “lấy củi” là công việc quan trọng trong quá trình chuẩn bị đồ lễ cho hôn nhân. Từ sau lễ dạm hỏi, cô gái bắt đầu đi lấy củi tươi đem về nhà, để đến hôm cưới sẽ gùi sang nhà trai, ít nhất cũng phải 100 gùi. Bắt buộc là củi tươi, vì đồng bào quan niệm, tươi tượng trưng cho sự sống, sinh sôi, chặt củi tươi với niềm tin đôi vợ chồng trẻ, gia đình nhà trai sẽ làm ăn phát đạt, hạnh phúc vững bền.

Những người già Ve làm lễ cúng cầu mong thần linh và tổ tiên luôn phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ.
Những người già Ve làm lễ cúng cầu mong thần linh và tổ tiên luôn phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ.

Lễ cưới cũng được chọn vào ngày trăng tròn và diễn ra 2 ngày nếu hai nhà khác làng, 1 ngày nếu hai nhà cùng làng, nhà gái sẽ đem đồ ăn, đồ lễ đến góp với nhà trai để cùng tổ chức đám cưới. Lễ cưới hôm đầu tiên được tổ chức tại nhà trai với sự hiện diện của hai gia đình và dân làng. Buổi sáng ngày cưới, đoàn đưa dâu nhà gái đến nhà trai theo thứ tự nam trước, nữ sau; đi cuối cùng là các cô gái gùi củi. Đến nhà trai, củi được xếp ở dưới gầm sàn nhà, hôm sau sẽ chia cho mọi người. Nhà gái đến tập trung ở đầu hồi nhà, chưa được lên nhà ngay. Nhà trai đặt sẵn 1 con heo ở trước cửa ra vào để dâng cho nhà gái giết thịt làm lễ cúng ông bà hai họ. Bố cô dâu hoặc người đàn ông trong thân quyến (nếu bố cô dâu đã chết) sẽ đích thân cắt tiết con heo làm vật hiến tế. Theo phong tục người Ve, thịt con heo này chỉ được nấu mặn, không được chế biến thành món khác và sau khi cúng xong, chỉ nhà gái có quyền ăn thịt con heo đã hiến tế này. Nhà gái chỉ được vào nhà trai sau khi tiến hành xong nghi lễ này. Tại cầu thang nhà trai đặt sẵn 1 miếng sắt có bôi máu heo hoặc 1 chậu đựng máu, để từng người nhúng chân làm phép trên đó, miệng cầu khấn cho hai bên gia đình cùng đoàn kết, làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, sung túc… rồi mới bước chân vào nhà trai. Nhà trai đón tiếp, bố trí chỗ ngồi cho nhà gái để 2 bên thông gia ngồi cạnh nhau và trao đổi cùng nhau. Ăn uống xong, đại diện nhà trai là chủ làng, người làm chủ hôn tuyên bố lý do của hôn lễ và chúc cặp tân hôn hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sinh con đẻ cái để cùng giữ đất, giữ làng. Tiếp đến, chủ làng mời đại diện hai gia đình phát biểu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ làm cho đôi trẻ và hai bên gia đình hạnh phúc. Sau đó chú rể và cô dâu đứng trước toàn thể thân quyến hai gia đình và dân làng hứa sống với nhau trọn đời, cảm ơn dân làng, hai bên bố mẹ, anh em đã lo xây dựng cho  mình. Tiếp đến chủ làng rót 2 chén rượu đưa cho chú rể, cô dâu, hai người đổi chén cho nhau uống cạn và cầm tay, cùng lúc già làng nói những lời răn dặn tốt đẹp cho đôi vợ chồng. Ăn uống được tổ chức qua đêm tới sáng. Theo phong tục tập quán của người Ve huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam), trong đám cưới nhà trai tùy điều kiện làm thịt trâu, bò, lợn, gà… để thết đãi mọi người. Đùi sau của những con vật này cùng với một ít thịt ở thăn, 1 ché rượu to, ngon được nhà trai xếp vào gùi đưa cho người làm mối đem đặt trước mặt bố mẹ cô dâu làm quà biếu nhà gái. Ché rượu nhà gái mang về, còn thịt sẽ chia đều cho những người cùng đi đưa dâu cho mình, mỗi người 3 miếng, những ai không đi được, nhà gái có trách nhiệm đem đến mỗi nhà.

Ngày hôm sau, người làm mối lại mời nhà trai sang nhà gái dự lễ cưới. Cách tổ chức tương tự như ở nhà trai nhưng không cần tuyên bố lý do và hứa hẹn gì nữa. Liên hoan xong nhà gái sắp xếp các đồ dệt gồm tấm choàng, khố, váy… vào gùi đưa cho người làm mối biếu nhà trai. Nhà trai sẽ căn cứ vào giá trị của số của quà biếu mà biếu lại nhà gái các đồ vật như: chiêng, ché, nồi đồng… Số quà tặng này đôi vợ chồng trẻ không được sử dụng, bố mẹ của họ được hưởng, họ chỉ có quyền dùng những gì mà bố mẹ tặng riêng cho mình.

 Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.