Multimedia Đọc Báo in

Có một "Đà Lạt" ở Kon Tum

06:49, 02/05/2016
Yên bình, lặng lẽ ở độ cao 1.100 m, với phong cảnh hữu tình, cùng những cánh rừng cổ thụ nguyên sinh, những hồ và thác nước còn hoang sơ, Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến như một Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên. 
 
Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Khu du lịch sinh thái Măng Đen nằm cách trung tâm TP. Kon Tum gần 55 km về phía Đông Bắc, nhờ độ cao trên 1000 m, cùng nhiệt độ trung bình từ 18 đến 20oC, khí hậu mát mẻ quanh năm nên ngay khi đến địa phận huyện Kon Plông, điều đầu tiên mà du khách thấy là rừng. Măng Đen là một khu rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng như: hươu, nai, vành khuyên, trĩ, và các loài chim như bạc má...; trầm dó, quế... cùng các loại dược liệu quý như: ngũ vị tử, hồng đẳng sâm, sâm dây, cốt toái bổ, mật ong rừng … Đặc biệt, với diện tích gần 4.000 ha, rừng nơi đây có những cây thông đỏ và pơ mu tuổi đời từ 30 đến hơn 70 năm. Bên cạnh đó, Măng Đen còn có nhiều hồ nước trong xanh như: Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam... và nhiều thác nguyên vẻ hoang sơ như: Paish, Lô Ba... Nhờ những điều kiện thuận lợi đó mà Măng Đen đang dần hình thành nên những khu du lịch hấp dẫn như khu du lịch Hồ Đăk Ke, thác Paish, làng văn hóa du lịch thôn Kon Tu Rằng, chùa Khánh Lâm… Đến đây, du khách có thể thuê du thuyền đi trên các mặt trên hồ trong xanh, phẳng lặng và nhìn ngắm phong cảnh thơ mộng xung quanh; ghé vào những ngôi nhà rông để hòa mình vào tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số M’nông, H’rê... và thưởng thức ẩm thực mang hương vị núi rừng như các loại rượu: cần nếp than, sim, chuối rừng, sâm rừng...; các loại chè: ô long, sâm dây..., cùng những món ăn như: cơm lam, gà nướng… Măng Đen quyến rũ du khách không chỉ bởi thiên nhiên hoang sơ, yên bình nhưng không kém phần hùng vĩ mà còn bởi các câu chuyện về huyền thoại hình thành mảnh đất này, về những anh hùng, cô sơn nữ trong truyền thuyết và đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn lưu giữ những bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và lễ hội đặc sắc... 
 
Một góc Măng Đen.
Một góc Măng Đen.
 
Người dân ở đây đã tận dụng lợi thế về thời tiết, đất đai để phát triển và trồng nhiều loại rau (súp lơ, bí đỏ, cải thảo...), hoa (hồng, ly ly, địa lan, cẩm tú cầu...), và dự án nuôi cá tầm được triển khai ở đây rất thành công... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Đức Tuy, Măng Đen là một trong những địa phương của tỉnh đã và đang dần hình thành, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xây dựng và phát triển thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng là vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa...) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. Ông Tuy cho biết: “Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 với quy mô 138.116 ha. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xanh – an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế tại Măng Đen, bước đầu đã cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn ra thị trường...”.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Đào Xuân Quý chia sẻ: “Trong những năm qua,  huyện Kon Plông nói riêng và UBND tỉnh Kon Tum đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, từ đó định hướng phát triển du lịch sinh thái Măng Đen, như: hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, cộng đồng; du lịch khám phá, dã ngoại; du lịch tâm linh… Bên cạnh đó, với những lợi thế vì khí hậu, thổ nhưỡng, Măng Đen cũng đang hướng tới việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái... Hy vọng, trong tương lai, Măng Đen sẽ phát triển hơn nữa và là một trong 3 khu vực phát triển kinh tế, xã hội trọng điểm của tỉnh Kon Tum...”. 
 
 Nguyễn Gia

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.