Multimedia Đọc Báo in

Bản "tam tấu" rượu cần-cơm lam -gà nướng

09:00, 29/08/2016
Rượu cần-cơm lam-gà nướng của Đắk Lắk đã đoạt giải Nhất tại Liên hoan Ẩm thực được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 4-2016. Kể từ sau liên hoan ấy, du khách từ các nơi đến Đắk Lắk du lịch đều có nhu cầu thưởng thức món ăn này. Họ ví von đó là bản “tam tấu” đặc sắc và độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Điều đó không ngoa, ai đã từng một lần trải nghiệm, khám phá bản “tam tấu” đó chắc chắn sẽ khó quên. Bà Ngọc Anh, phụ trách Khu du lịch văn hóa-sinh thái Cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) nói rằng, 3 món đặc sản trên, nếu bày ra mỗi nơi mỗi thứ thì chẳng ấn tượng gì, nhưng kết hợp lại một chỗ trong bất kỳ không gian nào thì trở thành tuyệt tác. Và người đã bày ra bản “tam tấu” ấy chính là bà Ngọc Anh nhân dịp tham gia cuộc liên hoan trên.

Món gà nướng, cơm lam của người Êđê ở Đắk Lắk.
Món gà nướng, cơm lam của người Êđê ở Đắk Lắk.

Rượu cần và cơm lam thì vẫn cách làm truyền thống, từ nguyên liệu cho đến cách thức chế biến cổ truyền của người Êđê hay M’nông ở Đắk Lắk. Riêng gà nướng và muối chấm thì phải có bí truyền. Chị H’Lanh ở buôn Kô Tam dẫn giải: Tất nhiên phải là gà thả vườn, to nhỏ đều được. Quan trọng nhất là trước khi làm thịt để nướng, nên cho gà uống vài ngụm rượu cần. Gà làm sạch sẽ xong để ráo nước, sau đó xát qua một lượt lá ech được giã nát. Lá ech này có vị thơm nồng (như rau thơm của người Kinh), nhưng có chút khác biệt là khi bắt lửa nó nhanh chóng nóng lên so với bình thường, nhờ vậy gà được chín đều từ ngoài vào trong. Đặc biệt là lớp da bên ngoài món gà nướng của người Êđê, hay M’nông bao giờ cũng rộm vàng, nhưng không khô và sượng khi thưởng thức. Bí quyết nằm ở chỗ tinh dầu của nắm lá ech ấy- cái gia vị độc đáo, có chức năng kết dẫn hài hòa, hoàn hảo nhất giữa gà và than lửa, cho ra món ăn đậm đà bản sắc. Có người nói gà nướng kiểu ấy ngon không kém gì gà nướng bó đất (bùn, hoặc sét) mà người sành ăn ở miền xuôi nhọc công làm được.

Có điều ai cũng biết, gà nướng (hay luộc) có thật sự ngon miệng hay không, còn phụ thuộc vào muối chấm. Dân gian có câu “con gà cục tác lá chanh” với hàm ý ăn gà phải có lá chanh (có nơi dùng thêm rau răm), nếu thiếu mất thứ ấy, coi như không trọn vẹn. Đối với món gà nướng nói trên, người dân tộc thiểu số tại chỗ không chỉ có lá chanh (rau răm) mà còn dùng thêm cả một “rừng” cây lá (lá ech, lá giang, ngò gai, hành cây, củ nén và ớt xanh…) đem giã chung với muối. Có thể nói, loại muối chấm này hội đủ mọi yếu tố mà ngũ giác của con người dễ dàng bắt được (thơm- nồng – cay – chua - mặn mà) khi món gà nướng được bày ra bên cạnh cùng cơm lam, rượu cần.

Lúc này, bản “tam tấu” bắt đầu cất tiếng khiến bất kỳ thực khách nào, dù khó tính nhất cũng cảm thấy hài lòng. Vị béo thơm của gà, mềm dẻo của cơm lam (thực ra là xôi- gạo nếp được bỏ vào trong ống nứa nướng chín lên) chấm cùng “muối rừng” kết hợp lại, mang đến cho người ăn cảm giác đủ đầy, không thể cưỡng nỗi. Khi đã thấy cay cay nơi đầu lưỡi và cổ họng như nghẹn lại thì vít cần rượu trước mặt uống một hơi sẽ thông suốt và đã khát vô cùng. Thực khách lên Đắk Lắk có thể tận hưởng cảm giác đó ở Khu du lịch văn hóa-sinh thái Cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), hay khu du lịch Buôn Trí A (huyện Buôn Đôn), cạnh dòng Sêrêpốk hùng vĩ…

Ai đã một lần thưởng thức bản “tam tấu” rượu cần-cơm lam-gà nướng sẽ chắc rằng dư vị của nó không chỉ tan ra, chảy vào trong lồng ngực mà còn vương vấn mãi nơi tâm tưởng mỗi người.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.