Multimedia Đọc Báo in

Có một "Quảng Ninh thu nhỏ" bên bờ Vịnh Hạ Long

09:02, 29/08/2016

Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Quảng Ninh, chưa biết bắt đầu từ đâu cho hành trình khám phá của mình, tôi đã được một đồng nghiệp rỉ tai: “Đến Bảo tàng đi, đến đó là coi như đi khắp Quảng Ninh rồi!”. Thoạt nghe còn bán tín bán nghi, nhưng khi đến nơi rồi mới thấy lời giới thiệu ấy chẳng hề “ngoa”…

Bảo tàng Quảng Ninh là một phần trong cụm công trình Bảo tàng - Thư viện ở TP. Hạ Long, nằm ngay bên bờ Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ngay từ bên ngoài, bảo tàng đã tạo ấn tượng với du khách bằng lớp vỏ kính màu đen bao bọc tòa nhà như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long và biểu tượng của ngành công nghiệp đất Mỏ - tảng than nguyên khối nặng 28 tấn đạt kỷ lục Việt Nam tọa lạc ngay trước cổng. Bước vào bên trong, du khách càng ấn tượng hơn với thiết kế độc đáo của công trình này. Nếu như điểm nhấn tại tầng một là các ống núi in hình ảnh Vịnh Hạ Long kết hợp với ánh sáng tạo hiệu ứng nước biển, khiến cho du khách có cảm giác được đi trong lòng Vịnh, thì tầng hai của Bảo tàng lại được thiết kế với nhiều đường cong mô phỏng như một con thuyền gỗ và tầng ba là hệ thống hầm lò phản ánh các thời kỳ phát triển của ngành khai thác than.

Tầng 2 của Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật về các thời kỳ lịch sử của vùng đất Quảng Ninh.
Tầng 2 của Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật về các thời kỳ lịch sử của vùng đất Quảng Ninh.

Việc trưng bày hiện vật trong không gian của Bảo tàng cũng đã phác họa được những nét đặc trưng về đất và người Quảng Ninh cả về không gian và thời gian, từ quá khứ đến hiện tại. Tham quan tại tầng một, du khách được chiêm ngưỡng quá trình kiến tạo địa chất, biển và hệ sinh thái biển, động thực vật đặc hữu ở Quảng Ninh. Rời “lòng đại dương” lên tầng hai, du khách lại được tìm hiểu về các thời kỳ lịch sử của vùng đất này qua các hiện vật khảo cổ: mộ thuyền (nền văn hóa Đông Sơn, thời đại kim khí); các loại trang sức từ vỏ nhuyễn thể (nền văn hóa Hạ Long 4.000 năm về trước); cột mốc biên giới Việt – Trung ở TP. Móng Cái (Triều Nguyễn, năm 1893); hay rừng cây bao phủ tượng trưng cho chiến khu Đông Triều; khoang máy bay gợi nhớ về chiến công của lực lượng không quân… Cũng tại đây, du khách còn được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh của danh thắng Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm với mô hình chùa Đồng và nhiều hiện vật cổ quý báu. Đặc biệt, màn hình cỡ lớn trình chiếu hình ảnh trực tiếp từ Khu di tích này mang đến cho du khách cảm giác đang đứng ở chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử với độ cao hơn 1.600 mét so với mặt nước biển. Đặt chân vào tầng ba của Bảo tàng, sa bàn khai trường lộ thiên cùng mô phỏng một hầm lò khai thác than tỉ lệ 1:1 với đầy đủ cột chống, xe goòng, công nhân mỏ đang làm việc không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế khi bước đi trong hầm lò mà còn cảm nhận được sự vất vả, nguy hiểm của những công nhân đất Mỏ trong quá trình khai thác than.

Du khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh.
Du khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh.

Rời khu vực hầm lò, du khách lại được hòa mình vào không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt, sản xuất của 14 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ phiên chợ Kiêng Gió của người Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; lễ cưới truyền thống của người Sán Dìu ở xã Bình Dân, huyện đảo Vân Đồn cho đến nếp nhà truyền thống của người Kinh ở thị xã Quảng Yên (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) cùng nhiều sinh hoạt văn hóa của các dân tộc đều được tái hiện một cách sinh động bằng chính những vật dụng mang về từ nơi sinh sống của người dân. Tất cả đều khơi gợi cho du khách sự ngạc nhiên, tò mò, từ đó thôi thúc họ đến với những vùng đất ấy để được tận mắt nhìn, nghe và chiêm ngưỡng bản sắc văn hóa rất riêng của mỗi dân tộc, thấy được sự đa sắc màu về văn hóa trên vùng đất này.

Khép lại hành trình du ngoạn trong Bảo tàng là không gian trưng bày hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh – nơi vinh dự được Bác đặt tên (khi sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng) và đón Người về thăm 9 lần. Và lời khen ngợi của Bác về đất và người Quảng Ninh: “Vùng Mỏ của đất nước ta thật là giàu và đẹp. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng” được khắc lên trang trọng giữa không gian hào hùng ấy như một niềm tự hào của mọi thế hệ người dân đất Mỏ. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.