Tạo động lực cho du lịch Đắk Lắk phát triển - Kỳ cuối
Các tin liên quan |
Kỳ cuối: Nhận diện bức tranh du lịch để đầu tư, phát triển đúng hướng
Phải nhận diện “bức tranh” du lịch Đắk Lắk như thế nào và đang ở đâu trong lộ trình phát triển kinh tế-xã hội nói chung để có hướng đầu tư, phát triển đúng hướng và phù hợp với thực tiễn là yêu cầu có tính chất bắt buộc đối với cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách cho ngành kinh tế quan trọng này.
Động thái đó phải được Sở VH-TT-DL cùng các ban, ngành liên quan đánh giá qua từng giai đoạn, từ đó chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Vậy thử nhìn lại giai đoạn 2012-2015 vừa qua, hoạt động du lịch Đắk Lắk đã bộc lộ những đặc điểm gì? Qua đánh giá của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh cho thấy, trước hết công tác quy hoạch chưa thật sự gắn chặt với nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư để biến những dự án du lịch trên địa bàn thành hiện thực, đặc biệt là những dự án lớn, đóng vai trò động lực cho sự phát triển ở địa phương. Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: Thời gian qua, chúng ta quá đặt nặng vấn đề quy hoạch và quy hoạch một cách dàn trải, thiếu trọng tâm nên không mang lại hiệu quả cao. Địa phương nào cũng có Đề án quy hoạch, phát triển du lịch- và điều đáng nói là quy hoạch xong rồi để đó (!?). Ví như giai đoạn 2012-2015, hầu hết các huyện, thị xã và thành phố đều làm quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt, tỉnh chọn lựa mãi mới “chốt” lại đề án phát triển du lịch của 8 huyện, thị xã và thành phố để triển khai xúc tiến, mời gọi đầu tư. Kết quả trong 15 dự án được quy hoạch, đến nay chỉ có Khu du lịch văn hóa-sinh thái Cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn thành, đưa vào khai thác và điểm nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk (huyện Lắk) đang khởi động. Còn lại (như đã nêu ở kỳ trước), nhà đầu tư đến - xem - hứa và bỏ đi… vì chính quyền địa phương không chịu đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, trong giai đoạn trên có 5 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch, nhưng chỉ có 1 dự án được triển khai là đường giao thông từ trung tâm xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) đi vào danh thắng thác Bảy Tầng. Còn lại 4 dự án: Bờ kè chắn đất kết hợp giao thông cho người đi bộ quanh Hồ Lắk; Bờ kè chống sạt lở trong Khu du lịch Hồ Lắk; Đường giao thông bao quanh Khu du lịch hồ Ea Súp Thượng và Đường du lịch quanh đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar) không thực hiện được do không bố trí được nguồn vốn. Ngoài ra các dự án phát triển du lịch được coi là trọng điểm như Mở rộng Trung tâm du lịch Buôn Trí A (huyện Buôn Đôn); Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng-Dray Nur (huyện Krông Ana); Khu du lịch đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar); Mô hình du lịch Cộng đồng sinh thái buôn Akô D’hông (TP. Buôn Ma Thuột); Khu di tích lịch sử hang đá Đắk Tuor (huyện Krông Bông)… vẫn chưa được khởi động do “vướng” thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng và quan trọng nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư.
Nhà dài truyền thống của người Êđê được phục dựng đưa vào khai thác tại Khu du lịch văn hóa - sinh thái Cộng đồng Kô Tam. |
Vấn đề đáng nói nữa là việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng đã được quy hoạch trong thời gian qua không đáng kể, nếu như không nói là còn quá yếu kém. Số liệu của Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho thấy từ năm 2012-2015, ngân sách địa phương bỏ ra chưa tới 1,8 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư gần 9,5 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ tới 80%), chỉ đạt 12,44% so với kế hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể “tay không bắt… nhà đầu tư” được, bởi nói cho cùng, nhà đầu tư nào cũng có chung tâm lý là luôn quan sát, nhìn nhận động thái (tích cực hay không tích cực) về mặt cơ chế, chính sách đưa ra, cũng như hành động thực chất và cụ thể của chính quyền sở tại thì họ mới bắt tay hợp tác. Động thái ấy - nhìn trên con số tổng mức đầu tư hạ tầng cơ sở cho ngành du lịch ở đây trong những năm qua là một câu hỏi đặt ra cho bất kỳ doanh nghiệp nào khi đến Đắk Lắk tìm hiểu cơ hội để làm ăn.
“Chúng ta quá đặt nặng vấn đề quy hoạch và quy hoạch một cách dàn trải, thiếu trọng tâm nên không mang lại hiệu quả cao. Địa phương nào cũng có đề án quy hoạch, phát triển du lịch - và điều đáng nói là quy hoạch xong rồi để đó (!?)” (Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL) |
Cuối cùng là sự chọn lựa và xác định sản phẩm du lịch nào giúp Đắk Lắk có lợi thế cạnh tranh để bứt phá trong lộ trình phát triển? Đề án Phát triển Du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 xác định tiếp tục phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng làng nghề, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) và xây dựng, hoàn thiện sản phẩm du lịch sinh thái-nông nghiệp… Nhìn vào định hướng này có thể thấy “bức tranh” du lịch ở đây không có gì đặc sắc và vượt trội so với nơi khác. Bởi hiện nay, tỉnh, thành nào cũng có sản phẩm du lịch tương tự - vấn đề là ở chỗ biết tìm cách nâng tầm chất lượng và định danh thương hiệu cho các sản phẩm du lịch ấy mới là điều quan trọng. Ngành du lịch Đắk Lắk phải giải “bài toán” này như thế nào một khi các ngành nghề liên quan đang thiếu sự liên kết, phối hợp đồng bộ? Điều đó dễ dàng nhận thấy: muốn phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, cũng như cộng đồng, làng nghề thì bắt buộc phải gìn giữ, bảo tồn cho được các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Trên thực tế, yêu cầu bắt buộc ấy đang ngày càng trở nên nan giải, nếu không nói là mâu thuẫn. Đối với sản phẩm du lịch sinh thái - nông nghiệp thì “nhãn tiền” đã quá rõ do nhiều hệ lụy đã xảy ra. Cà phê là thế mạnh của Đắk Lắk, tuy nhiên đời sống của cộng đồng sản xuất-kinh doanh cây trồng này thiếu ổn định do không chủ động được thị trường và chịu sự tác động ngày càng bất lợi của tự nhiên. Cộng đồng làm cà phê có hợp tác với các doanh nghiệp du lịch hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố trên. Còn lại niềm lạc quan duy nhất là sản phẩm du lịch MICE - bởi như Sở VH-TT-DL đánh giá: Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Đắk Lắk (bao gồm 198 khách sạn, nhà nghỉ) cùng các dịch vụ đi kèm đã được nâng cấp, hoàn thiện đủ sức đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.000 lượt khách trong cùng thời điểm, nên hằng năm mang lại doanh thu khá cao, chiếm hơn 1/3 doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở lưu trú tại TP. Buôn Ma Thuột than vãn: số ngày lưu trú quá thấp, bình quân chỉ hơn 1 ngày/đêm vì các tour-tuyến du lịch trên địa bàn thiếu hấp dẫn, sản phẩm du lịch quá nhàm chán và đơn điệu, khiến du khách nhanh chóng bỏ đi.
Có thể nói việc nhận diện lại bức tranh du lịch Đắk Lắk một cách nghiêm túc để có hướng đầu tư, phát triển kịp thời và đúng hướng là yêu cầu đặt ra cho các cấp, ngành liên quan. Nếu không thì các mục tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 khó lòng đạt được.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc