Tạo động lực cho du lịch Đắk Lắk phát triển - Kỳ II
Các tin liên quan |
Kỳ 2: Những lực cản cần gỡ bỏ
Quy hoạch đi cùng với tư duy, cơ chế và chính sách ưu đãi về phát triển du lịch Đắk Lắk cần phải được đánh giá, soát xét lại một cách nghiêm túc, để từ đó có sự quan tâm và đầu tư đúng mức hơn được coi là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết hiện nay.
Quy hoạch chồng chéo
Sở VH-TT-DL cho hay, vấn đề quy hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn nào cũng được đặt ra. Nhất là từ năm 2004 đến nay, việc làm này càng được chú trọng thường xuyên. Đi kèm theo đó là những nghị quyết được các cấp thẩm quyền ban hành với mục đích thúc đẩy mạnh mẽ ngành “công nghiệp không khói” tăng trưởng nhanh chóng, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc quy hoạch phát triển ngành du lịch Đắk Lắk còn bộc lộ nhiều bất cập như chồng chéo, thiếu đồng bộ, thậm chí ở một số nơi rơi vào tình trạng “quy hoạch treo”, không khả thi kéo dài trong nhiều năm.
Chẳng hạn trong giai đoạn 2011-2015, Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL) cho biết có 11 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm, điểm du lịch đã được quy hoạch, nhưng đến nay mới chỉ có 1 dự án (Khu du lịch Văn hóa-Sinh thái Cộng đồng Kô Tam) đã hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả. Còn lại - hoặc là đang “treo”, hoặc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân: nhà đầu tư không đủ năng lực, chồng chéo trong quy hoạch… Điển hình như dự án Điểm nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk của Công ty TNHH Du lịch đường mòn Châu Á, khi nhà đầu tư được giao mặt bằng tại xã Yang Tao (huyện Lắk) để triển khai xây dựng thì bị “vướng” vào quy hoạch giữa du lịch với việc bảo tồn vùng nước ngọt nội địa. Vì vậy cấp thẩm quyền phải “chữa cháy” bằng cách tìm vị trí mới cho nhà đầu tư triển khai, dẫn đến chậm tiến độ dự án. Qua sự cố này, không ít nhà đầu tư nhìn nhận: Điều quan trọng không phải ở chỗ chậm tiến độ, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình thực hiện dự án (như phải làm lại thủ tục đầu tư, vốn đội lên và trở nên bị động trong chiến lược kinh doanh, khai thác…) mà chính là niềm tin cùng với sự quyết tâm của doanh nghiệp làm du lịch ở đây ít nhiều bị “tổn thương”. Và đó cũng là “lực cản” trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư vào ngành du lịch Đắk Lắk hiện nay.
Thác Thủy Tiên (Krông Năng) không biết bao giờ mới trở thành “điểm đến” cho du khách. |
Thiếu chính sách ưu đãi
Một “lực cản” nữa là chính sách ưu đãi cho các cộng đồng, doanh nghiệp tham gia làm du lịch (nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số) chưa được chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm. Bà Ngọc Anh, phụ trách Khu du lịch Văn hóa-Sinh thái Cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: Giá đất ở Đắk Lắk cho doanh nghiệp thuê không được miễn giảm như chủ trương của Nhà nước đã ban hành, khiến hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tiền thuê đất để phát triển du lịch không được ưu đãi khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia; hoặc đã đầu tư rồi thì đó là “gánh nặng” đối với họ. Doanh nghiệp này rất muốn mở rộng quy mô khu du lịch trên về mặt không gian, cũng như sản phẩm du lịch, nhưng cứ nghĩ đến khoản tiền thuê đất nên không dám thực hiện. Tương tự, Công ty Du lịch Công đoàn Ban Mê cũng trở nên “lực bất tòng tâm” khi muốn mở rộng không gian kinh doanh và cơ sở lưu trú trên đường Nguyễn Tất Thành (phường Tân An-TP. Buôn Ma Thuột) vì giá thuê đất quá cao. Những đơn vị làm du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh như Vạn Phát, Đam San, Thanh Hà, Cộng đồng Akô Dhông… cũng cho rằng tiền thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, phong phú hơn để thu hút du khách đang là thách thức đối với họ. Vì thế trong quá trình tổ chức, thiết kế tour - tuyến đến các điểm du lịch hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng “hụt hơi” do thiếu nguồn lực đầu tư. Khó khăn này, theo các đơn vị làm du lịch nói trên cho rằng, do hàng năm phải đóng một khoản tiền thuê đất không nhỏ cho Nhà nước, khiến vòng quay tái đầu tư và mở rộng quy mô kinh doanh bị hạn chế.
Giá đất ở Đắk Lắk cho doanh nghiệp thuê không được miễn giảm như chủ trương của Nhà nước đã ban hành, khiến hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tiền thuê đất để phát triển du lịch không được ưu đãi khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia; hoặc đã đầu tư rồi thì đó là “gánh nặng” đối với họ. Bà Ngọc Anh - Khu du lịch văn hóa-sinh thái Cộng đồng Kô Tam |
Chia sẻ điều này, ông Bùi Văn Đức-Chủ nhiệm Hợp tác xã Voi Buôn Jun (huyện Lắk) cho biết: Trong nhiều năm qua, xã viên ở đây mong muốn xây dựng được một cơ sở lưu trú, kết hợp dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng vì giá đất thuê theo khung quy định của chính quyền địa phương không hề rẻ và tất nhiên không có chính sách ưu đãi nên đành “bó tay”. Đến giờ, hợp tác xã này vẫn hoạt động, điều hành, phục vụ du khách (từ cưỡi voi, ăn uống, nghỉ ngơi…) trong sân vườn và căn nhà chỉ rộng chừng vài trăm mét vuông của ông chủ nhiệm hợp tác xã. Theo ông Đức, đây là vùng đồng bào người dân tộc M’nông cư trú lâu đời và họ sẵn sàng tham gia mọi hoạt động du lịch trên địa bàn trong khả năng, điều kiện cho phép. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền, nhất là chính sách cho thuê đất với giá cả hợp lý thì tin chắc “ngành kinh tế không khói” ở đây sẽ có bước phát triển đáng kể, không những góp phần tăng nguồn thu ngân sách, mà còn tạo điều kiện thuận lợi và chính đáng cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Rõ ràng, những bất cập trên đã hạn chế trực tiếp khả năng, động lực phát triển của doanh nghiệp hiện đang triển khai hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, cũng như nhà đầu tư trong cả nước có ý hướng đến Đắk Lắk làm ăn. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù như miễn giảm thuế sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hệ thống điện, nước, dịch vụ môi trường…) tại những vùng đã được quy hoạch là vấn đề cần được chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan chia sẻ, thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc