Multimedia Đọc Báo in

Tôn trọng quyền chọn lựa văn hóa của người Tây Nguyên

08:17, 21/08/2016

Tại Hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên: Bảo tồn và phát huy các giá trị” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 7-2016, nhiều vấn đề liên quan đã được các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý phân tích dưới nhiều góc độ, nhưng đều chung ý kiến: phải tôn trọng quyền chọn lựa văn hóa của người Tây Nguyên.

Theo PGS-TS Bùi Minh Đạo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong quá trình tồn tại và phát triển, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã tạo dựng được vốn văn hóa hóa hết sức đa dạng và đặc trưng. Giá trị văn hóa tiêu biểu cần được bảo tồn, phát huy trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay là 2 giá trị văn hóa xã hội (thiết chế tự quản buôn làng, luật tục) của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và 2 giá trị văn hóa phi vật thể (âm nhạc cồng chiêng và sử thi).

Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia Liên hoan văn nghệ dân gian Tây Nguyên - 2016.
Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia Liên hoan văn nghệ dân gian Tây Nguyên - 2016.

Thiết chế tự quản buôn làng là hình thức quản lý xã hội dân cư, tự quản cổ xưa của xã hội tiền giai cấp, đến cuối thế kỷ 20 chỉ còn sót lại ở một số ít nơi trên thế giới, trong đó có Tây Nguyên. Trên cơ sở tuân theo và thực hành luật tục, họ đã vận hành và quản trị buôn làng một cách hiệu quả. Còn luật tục được coi là giá trị văn hóa xã hội đặc trưng, tiêu biểu chỉ có ở Tây Nguyên, có vai trò như luật pháp sơ khai, ràng buộc tất cả thành viên trong cộng đồng sống có đạo lý, tôn trọng cộng đồng, duy trì thuần phong mỹ tục, bảo vệ tự nhiên. Không gian Văn hóa cồng chiêng, sử thi là giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Tây Nguyên, được trong nước và thế giới biết đến, xuyên suốt trong nội dung của sử thi là triết lý đạo đức, tính nhân văn sâu đậm. Vì thế, theo PGS-TS Bùi Minh Đạo, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trên có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục nhân cách con người và phát triển văn hóa Tây Nguyên đương đại.

“Chú trọng  tạo điều kiện, cơ hội để cho chủ thể vốn văn hóa Tây Nguyên được hưởng thụ và khẳng định sức mạnh nội sinh từ vốn văn hóa của mình nhiều hơn nữa để phát triển và hội nhập trong bối cảnh hiện nay”

(Khuyến nghị từ Hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên: Bảo tồn và phát huy các giá trị”) 

GS-TS Trương Quốc Bình (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) đánh giá: Văn hóa ở Tây Nguyên đang biến đổi mạnh mẽ và dữ dội dẫn đến các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc như cồng chiêng, sử thi bị mai một, biến dạng và có nguy cơ biến mất là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Rừng mất, không gian sống (cũng là không gian văn hóa-lịch sử) không còn, cùng với sự mất mát nghệ nhân, sự thay đổi thị hiếu nghệ thuật của chính chủ nhân nền văn hóa ấy - nhất là đối với lớp trẻ khiến Văn hóa cồng chiêng chỉ còn trên sân khấu để  đáp ứng nhu cầu văn nghệ thuần túy, chứ không phải là âm nhạc cồng chiêng văn hóa đúng nghĩa nữa. Sử thi cũng cùng chung số phận đó, sự mai một của nghệ thuật diễn xướng sử thi là đáng báo động. Đây là nghệ thuật truyền miệng nên rất dễ mất đi nếu không còn môi trường tồn tại và không được ghi chép lại đầy đủ. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã triển khai Dự án “Sưu tầm, biên soạn, xuất bản sử thi Tây Nguyên” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là điều đáng mừng, nhưng mới tập trung chủ yếu ở 3 dân tộc Êđê, M’nông và Bana là chưa đầy đủ, toàn diện. Với các dân tộc khác trên địa bàn Tây Nguyên, không ít sử thi đang trong tình trạng thất truyền, một số đã mất đi cùng với sự ra đi của các nghệ nhân còn nhớ và có thể hát kể chúng.

Các em thiếu nhi buôn Hra Ea Hing, xã Dray Bhang (huyện Cư Kuin) học đánh cồng chiêng tại nhà cộng đồng.   Ảnh: Hoàng Gia
Các em thiếu nhi buôn Hra Ea Hing, xã Dray Bhang (huyện Cư Kuin) học đánh cồng chiêng tại nhà cộng đồng. Ảnh: Hoàng Gia

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng nói là sự di dân cơ học lên Tây Nguyên diễn ra sau năm 1975 đến những thập niên 90 quá mạnh mẽ và ồ ạt, sự tác động của nền kinh tế thị trường và sự xuất hiện các phương thức sinh kế mới như thâm canh ruộng nước, cây công nghiệp hàng hóa… TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường ĐH Tây Nguyên) còn cảnh báo thêm: Điều đáng nói nhất là chính chủ nhân của vốn văn hóa Tây Nguyên không còn mặn mà, say mê và tích cực gìn giữ nó nữa. Thêm vào đó một bộ phận người dân và quan trọng hơn là cán bộ quản lý, nhất là đối với ngành văn hóa có nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn về văn hóa người dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ đó, nhiều ý kiến từ phía các nhà nghiên cứu cũng như quản lý tại 5 tỉnh Tây Nguyên cho rằng:  Bảo tồn, phát huy trên cơ sở  kế thừa có chọn lọc để tạo ra những giá trị văn hóa phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới, chứ không bảo tồn và phát huy tất cả và bằng mọi giá. Phải giữ vững quan điểm bảo tồn và phát huy trên cơ sở bảo đảm tính  thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, hướng đến mục tiêu lấy văn hóa phục vụ tích cực cho lợi ích quốc gia nói chung và cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương nói riêng. Trong đó chú trọng  tạo điều kiện, cơ hội để cho chủ thể vốn văn hóa Tây Nguyên được hưởng thụ và khẳng định sức mạnh nội sinh từ vốn văn hóa của mình nhiều hơn nữa để phát triển và hội nhập trong bối cảnh hiện nay. 

Để làm được điều đó, chính quyền các cấp phải thực hiện tốt hơn nữa chính sách đất đai cho người dân. Bởi một khi có “không gian sinh tồn” thì mới có điều kiện để bảo tồn và duy trì văn hóa trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, những cơ quan có trách nhiệm thực thi chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Tây Nguyên phải xác định rõ: Chủ thể văn hóa Tây Nguyên chính là người dân các dân tộc Tây Nguyên. Tránh tình trạng  xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách về văn hóa-xã hội, cũng như kinh tế cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo kiểu máy móc, rập khuôn như đã và đang xảy ra trên thực tế - đó là đem một mô hình kiểu mẫu áp dụng cho nhiều vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa khác nhau mà không hề có sự tham vấn và tìm được tiếng nói đồng thuận từ cộng đồng. Hội thảo đã xác định phải thật sự tôn trọng quyền chọn lựa văn hóa của chủ thể là khuyến nghị có tính nguyên tắc để bảo tồn phát huy văn hóa Tây Nguyên hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.