Để khẳng định thương hiệu Buôn Ma Thuột trên thị trường du lịch
Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, TP. Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng hiện đại, như được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng tự nhiên và nhân tạo như: hồ Ea Kao, hồ Ea Nao, hồ Đạt Lý…
Đặc biệt, là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam, TP. Buôn Ma Thuột có thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn: tham quan các trang trại, tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê; các sản phẩm lưu niệm như tranh bằng hạt cà phê, các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê,... Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần là cơ hội để Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng xúc tiến quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch...
Một góc buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). |
Cũng theo ông Thanh, TP. Buôn Ma Thuột còn chứa đựng nhiều tài nguyên của các dân tộc thiểu số tại chỗ như các làn điệu dân ca, dân vũ: Kưut, Ay ray, Kông tuôr; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... có vai trò lớn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. “Thành phố cần có sự chuẩn bị tốt và nắm bắt được xu thế này để triển khai nhanh chóng và kịp thời các chính sách, các giải pháp, các chương trình nhằm thúc đẩy phát triển đột phá về lĩnh vực du lịch…”, ông Thanh nói.
Với những lợi thế trên, những năm qua, doanh thu và số lượng khách du lịch đến với Buôn Ma Thuột có sự tăng trưởng đáng kể và ổn định. Nếu như năm 2010 Buôn Ma Thuột đón 236.000 lượt khách, thì đến năm 2015 đã tăng lên gần gấp đôi với 448.000 lượt du khách; doanh thu du lịch năm 2010 là 160 tỷ đồng thì năm 2015 tăng lên 336 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 13%, đóng góp 80% vào tổng lượt khách du lịch và doanh thu du lịch của tỉnh. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTT-DL) cho rằng, để TP. Buôn Ma Thuột phát triển du lịch bền vững thì việc bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương. Vì thế việc đào tạo, trao cơ hội, làm thay đổi nhận thức,... của cộng đồng và các nhóm dân cư phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên. Sự góp sức của cộng đồng quyết định trực tiếp tới chất lượng sản phẩm du lịch thế mạnh, bản sắc riêng của du lịch địa phương. Bà Hiếu nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả du lịch, các cấp, ngành ở Buôn Ma Thuột cần xác định và khai thác tốt nguồn khách du lịch tiềm năng, phù hợp với thế mạnh. Đây cũng cũng là nội dung quan trọng cần được phân tích, nghiên cứu và xây dựng chương trình với các sản phẩm du lịch phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất”.
Đình Lạc Giao |
Thời gian qua, hình thức doanh nghiệp liên kết với cộng đồng để phát triển du lịch đang phát triển tại Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, trong đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cộng đồng cung cấp và đáp ứng các dịch vụ văn hóa tại chỗ, du lịch “homestay” khai thác thế mạnh về văn hóa, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế… Theo ông Đoàn Văn Thống, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, thời gian tới thành phố sẽ tập trung khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống. Đây được xem là một hướng đi tích cực, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lại vừa thu hút du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Các nghề được tập trung đầu tư khôi phục, phát triển như: dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, nghề mộc mỹ nghệ…, thành phố hiện có 33 buôn đồng bào, nhiều buôn cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị về kiến trúc cảnh quan, văn hóa... như các buôn Akô Dhông, Ky, Alê A, Alê B, Cuôr Kăp, Păm Lăm... Ông Thống nói: “Sắp tới, thành phố sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư bảo tồn 3 buôn là: Akô Dhông, Tôur và Kmrơng Krông B phấn đấu xây dựng thành buôn văn hóa du lịch để phát triển du lịch cộng đồng”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc