Độc đáo món bánh lẳng Tây Bắc
Ngược Tây Bắc vào bất kỳ mùa nào, du khách cũng có thể được thưởng thức món bánh vừa mát lành, vừa độc đáo. Đó là bánh lẳng, món bánh truyền thống của người Tày nơi đây.
Theo cư dân bản địa vùng Tây Bắc, bánh lẳng có từ rất lâu đời ở vùng đất này, kể từ khi người Tày trồng lúa trên nương, trên đồng ruộng và biết kết hợp các loại cây lá trên rừng, trong vườn nhà làm nên các thứ bánh để ăn trong gia đình.
Để mẻ bánh ngon thì người chế biến phải chuẩn bị khá cầu kỳ. Khâu đầu tiên là chuẩn bị nước tro. Người Tày chuẩn bị nước tro cách đó hàng tháng trời. Họ lượm những loại cây lá như cây sắn, cành bưởi, cây vừng đã hái quả, vỏ bưởi, lá chuối… trên nương đồi mang về rửa sạch rồi phơi thật khô để đốt. Sau khi lá cháy hết, người ta lấy những nhúm tro mịn còn lại cho vào ống nứa, đổ lưng lưng nước rồi xóc đều, để ống lên gác bếp cho nước trong từ trong ống chảy xuống chậu hứng bên dưới. Người ta gọi thứ nước được chưng cất từ tro ấy là nước lẳng. Nước lẳng có màu vàng, vị mặn chát và dùng để ngâm gạo làm bánh lẳng.
Bánh lẳng được bày bán ở các phiên chợ vùng cao Tây Bắc. |
Gạo nếp dùng để gói bánh phải là thứ gạo nếp thơm, hạt tròn mẩy, trồng trên nương cao. Gạo được ngâm chừng 12 giờ đến khi nở bung là có thể vớt gạo ra để gói bánh. Bánh lẳng không cần nhân vì vị ngon của bánh chủ yếu phụ thuộc vào vị tro và vị gạo. Người gói chọn những tàu lá dong nhỏ, xanh tươi để gói bao bên ngoài, dùng lá chít trên rừng để gói bên trong phần gạo. Mỗi chiếc bánh dài chừng 20 cm, thường người Tày hay gói 5 chiếc một bó và cuốn nhiều lượt lạt vừa để bánh được chặt vừa trang trí cho bề ngoài của bánh.
Bánh lẳng sau khi luộc, bóc ra có màu sắc khá đặc biệt. Bánh có màu vàng tươi, trong suốt từ trong ra ngoài. Màu vàng của nước tro hòa vào gạo đã mềm thành bột tạo cho bánh trở nên mịn màng, hấp dẫn. Bánh lẳng mềm, dễ ăn, có vị thơm của gạo, vị ngậy của nước tro, cùng với hương thơm của lá chít và lá dong hòa quyện khiến bánh có vị vừa quen lại vừa lạ. Bánh lẳng ngon nhất khi chấm với mật mía hoặc mật ong rừng.
Ở vùng Tây Bắc, người Tày làm bánh lẳng quanh năm. Món bánh này sau khi luộc có thể để vài ngày không hỏng. Khi ăn, người thưởng thức cảm nhận được vị mát lành trong từng chiếc bánh, nhận ra được sự hội tụ của nhiều hương vị cây lá trên rừng, trong vườn nhà và đặc biệt là sắc màu vàng sẫm của bánh là sản phẩm được chưng cất cầu kì từ bàn tay khéo léo của con người.
Trong hành trình khám phá Tây Bắc, nếu bạn muốn thưởng thức món bánh lẳng không hề khó chút nào bởi ở chợ phiên, đồng bào thường làm bánh và mang ra chợ bày bán cả ngày. Hoặc nếu không, bạn hãy ghé thăm một gia đình người Tày, chủ nhà sẵn lòng thết đãi món bánh lẳng truyền thống của họ như một lời mời chào hiếu khách.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc