Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát triển văn hóa Tây Nguyên: Phát huy hơn nữa vai trò của các nhà khoa học

08:53, 16/01/2017

Tây Nguyên là vùng đất cư trú lâu đời của nhiều dân tộc bản địa như Êđê, M'nông, J’rai, Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Mạ, Kơ Ho, Brâu… Với sức hấp dẫn của mình, Tây Nguyên còn là nơi hội tụ, gặp gỡ của nhiều nhà nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Các nhà nghiên cứu “lăn lộn” ở các buôn làng, thực hiện “3 cùng” với đồng bào, học tiếng nói để sưu tầm, nghiên cứu, khám phá kho tàng văn hóa tộc người. Có người tìm hiểu văn học dân gian như truyện cổ, sử thi, lời nói vần, ca dao, tục ngữ, câu đố; có người đi sâu nghiên cứu về lễ hội, phong tục tập quán, tri thức bản địa; có người chuyên nghiên cứu về diễn xướng dân gian như âm nhạc cồng chiêng, múa, các loại nhạc cụ… Việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng chục đề tài khoa học, công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh về mảnh đất, con người Tây Nguyên đã được xuất bản, công bố, làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói của các dân tộc nói riêng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên lĩnh vực văn hóa truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa của nhân loại cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Sử thi Tây Nguyên và một số loại hình di sản khác.

Biểu diễn cồng chiêng tại một Hội thảo khoa học về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Biểu diễn cồng chiêng tại một Hội thảo khoa học về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhiều năm qua, vì những lý do khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu đã chuyển công tác về miền xuôi hoặc thuyên chuyển đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Dù không còn sống ở Tây Nguyên nữa nhưng với nhiều người trong số họ, vùng đất đỏ bazan vẫn nặng nghĩa tình, là “quê hương thứ hai”, nơi gắn với cuộc đời và bước trưởng thành trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Với những kinh nghiệm, vốn sống, hiểu biết về địa bàn, dân tộc cùng với khát khao sáng tạo, nghiên cứu, khám phá, họ đã cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm có giá trị khoa học. Nguồn tư liệu mà họ tích lũy được thường có độ tin cậy cao vì phần lớn là tư liệu gốc, tư liệu điền dã do chính các nghệ nhân, lão làng, trí thức người dân tộc thiểu số trực tiếp cung cấp.

2)	Lễ đón nhận bằng của UNESCO vinh danh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Hơn nữa, càng lui thời gian về càng xa thì những vốn liếng họ có được càng có độ đậm, nguyên chất hơn vì chưa có sự xáo trộn, biến đổi, nhạt dần bản sắc Tây Nguyên. Chẳng hạn như nghiên cứu về lễ hội truyền thống, điêu khắc gỗ, trang phục, trang sức, tập quán sinh hoạt, cư trú… của cư dân bản địa Tây Nguyên. Với sự giúp đỡ của các nghệ nhân am hiểu nghệ thuật, phong tục tập quán của dân tộc và các trí thức tại các buôn làng, các nhà nghiên cứu có trong tay bản dịch song ngữ Việt - Êđê, Việt- M’nông. Nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh, bản vẽ, tư liệu ghi chép điền dã hết sức có giá trị về các tộc người đã được sưu tầm, phân loại, xử lý, được sử dụng, công bố dưới nhiều hình thức. Tây Nguyên là mảnh đất màu mỡ giúp nhiều người thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật. Nhiều người đã được các giải thưởng cao do các hội chuyên ngành dành cho các công trình nghiên cứu, sưu tầm mà tiêu biểu nhất là giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Những người có duyên nợ với Tây Nguyên còn có lực lượng đáng kể là các nhà nghiên cứu đang công tác ở các Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Viện, Trường thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, các hội viên đang sinh hoạt tại các hội chuyên ngành như Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố. Nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện và cấp ngành về Tây Nguyên đã được thực hiện. Nhiều người đã chọn các đề tài mới về Tây Nguyên để làm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, cử nhân.

Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới, Tây Nguyên vẫn là mảnh đất còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, nhất là trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, việc liên kết, hợp tác với những người từng nhiều năm công tác, gắn bó, am hiểu và có nhiều công trình, thành tựu trong nghiên cứu, sưu tầm về Tây Nguyên là điều hết sức cần thiết. Thiết nghĩ, các địa phương cần nắm danh sách, thường xuyên liên hệ với các nhà khoa học từng nghiên cứu về Tây Nguyên đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, xem đây là nguồn nhân lực, đối tác bên ngoài có thể hợp tác với các Viện nghiên cứu của vùng trong thực hiện nhiệm vụ khoa học. Có thể đề nghị các nhà khoa học gửi tặng các công trình nghiên cứu đã được xuất bản, công bố, làm phong phú cho nguồn và vốn tư liệu của Thư viện thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.  Định kỳ tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề nhằm thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học có tham luận, bài báo khoa học đề cập đến những vấn đề mình tâm huyết, theo đuổi; kêu gọi họ có sáng kiến đề xuất những đề tài khoa học cấp thiết, gắn với lý luận và thực tiễn về vùng đất, con người Tây Nguyên.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.