Multimedia Đọc Báo in

Cà kê chuyện… đá gà

15:17, 31/01/2017

Đá gà (hay còn gọi là chọi gà) được xem là một thú chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của người xưa bởi nó vừa mang tính chất giải trí vừa chứa đựng tinh thần thượng võ…

Trong chuyến công tác cuối năm, tình cờ chúng tôi được thưởng thức một trận đá gà hấp dẫn do những người “mê gà” tại thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) tổ chức. Trên khoảnh đất trống được người dân chọn làm “trường gà” và trong vòng vây của rất nhiều người, 2 chú gà trống oai vệ được ví như hai võ sĩ bước ra sàn đấu tỉ thí, phân hạng cao - thấp trong tiếng reo hò, cổ vũ liên hồi của khán giả. Đang hò hét, cổ vũ cho “chiến binh” của mình tranh tài, anh Hồ Sỹ Trường - chủ nhân của 1 trong 2 con gà cho hay: “Mỗi trò chơi, thú vui đều có cái hay, cái đẹp riêng và xem đá gà cũng không phải là ngoại lệ, cũng cảm thấy hồi hộp, kịch tính như xem thi đấu quyền Anh vậy!”.

Quả thật, được tận mắt chứng kiến màn đấu của 2 “võ sĩ” gà chọi cùng những kiểu cổ vũ rất riêng của khán giả mới cảm nhận không khí vui nhộn của thú vui tao nhã này. Theo một số người trong nghề, trong một trận đá gà, 2 con gà chọi nhau phải có cùng hạng cân để tránh sự chênh lệch về trọng lượng. Mỗi hiệp chọi gà (còn gọi là hồ) được xác định khoảng 20-25 phút. Sau mỗi hồ thường có một khoảng thời gian để gà nghỉ ngơi, dưỡng sức rồi lại tiếp tục cuộc chiến cho đến khi phân thắng bại. Trong những phút nghỉ giải lao đó, gà thường được xoa bóp bằng rượu pha gừng, cho uống nước tiểu để máu đỡ tụ… 

Khi kết thúc cuộc vui, không nề hà chuyện thắng thua, những người chung niềm đam mê ngồi lại bên nhau cùng bình luận sôi nổi về trận đấu vừa diễn ra; có nhiều ý kiến vì sao chú gà này chiến thắng, đồng thời chỉ ra nguyên nhân khiến đối thủ thất bại. Những lời góp ý chân thành đều được chủ nhân của “chiến kê” tiếp thu nhằm khắc phục, huấn luyện thêm hẹn ngày tái đấu. 

Anh Lê Văn Hoàng với con gà cưng của mình.
Anh Lê Văn Hoàng với con gà cưng của mình.

Dẫn chúng tôi tới thăm khu nuôi gà của mình, anh Hồ Sỹ Trường bắt đầu kể về cơ duyên khiến anh “mê gà”. Khi còn nhỏ, anh từng theo bố và một số người lớn tuổi trong xóm đi xem gà chọi đá nhau. Lúc đầu anh cũng chỉ xem để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình chứ không biết như nào là thế đá, đòn lối. Từ đó, đam mê thú vui chọi gà lúc nào không hay. Đến nay, anh đã có hơn 10 năm “ăn, ngủ” cùng những chú gà đá và trong “bộ sưu tập”  anh đang sở hữu hơn 10 chú gà chiến đủ mọi lứa tuổi, có con mới xuống ổ, cũng có con sắp “giải nghệ” nhưng là giống tốt và có nhiều “cống hiến” nên để lại nuôi.

Còn với anh Lê Văn Hoàng (cùng ở thôn 6, xã Ea Kpam), ngoài việc chăm sóc hơn 1 ha cà phê, thời gian nhàn rỗi hầu như anh dành để chăm sóc  3 con gà đá. Theo anh Hoàng, hầu như gia đình nào ở đây cũng nuôi gà chọi, thỉnh thoảng đem đi thi đấu để xua tan những phút giây lao động mệt nhọc. “Để sở hữu một con gà đá thuộc loại “xem được”, người chơi phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Tùy theo độ tuổi, cân nặng và tính năng chiến đấu mà giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/con, thậm chí có con trên cả chục triệu đồng” - Anh Hoàng cho biết.

Anh Hồ Sỹ Trường quan sát hai chú gà đá.
Anh Hồ Sỹ Trường quan sát hai chú gà đá.

Theo một số người trong nghề, nuôi gà đá đã khó, uốn nắn từng miếng võ, huấn luyện gà thành “chiến binh” dũng mãnh càng khó hơn và không phải ai cũng làm được. Từ gà con để huấn luyện thành “đấu sĩ” không chỉ ngày một, ngày hai mà đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê, kiên trì và tốn cả tiền của nữa. Trong thời gian nuôi dưỡng, ngoài nguồn thức ăn chính là lúa, còn phải cho ăn thêm giun, dế, ngũ cốc, lòng đỏ trứng… để tăng cường sức chiến đấu cho gà. Gà chọi chỉ cho ăn không chưa đủ mà còn phải có kế hoạch tập luyện thường xuyên để thể lực sung mãn. Hằng ngày, vào buổi sáng sớm phải cho gà phơi sương, ăn cỏ, khi trời nắng ấm thì tắm và phun rượu cho gà, tối đến phải lo cho gà được ngủ yên giấc. Khi gà trưởng thành, phải thường xuyên cho gà xổ (đá thử) để rèn tính dạn người, uốn nắn từng thế đá cho quen với đời sống của “võ sĩ” chuyên nghiệp. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thú chơi này vẫn được duy trì trong nhân dân và quy tụ một số lượng lớn người cùng chung niềm đam mê. Vào những lúc nông nhàn hay dịp lễ, Tết họ thường tổ chức nhiều cuộc thi đá gà để giải trí, xua tan mệt mỏi sau những ngày làm lụng vất vả. Tuy nhiên, thú vui tao nhã đang dần bị biến tướng thành trò sát phạt, hơn thua. Mong sao đừng vì  trò “đỏ đen” mà làm mất đi cái hay, cái đẹp của trò chơi truyền thống, một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ có từ thời xưa.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.