Multimedia Đọc Báo in

Chạm vào bản sắc

17:18, 30/01/2017

Từ thông điệp phát đi của Hiệp hội Bảo tàng Thế giới rằng: “KÝ ỨC + SÁNG TẠO = BIẾN CHUYỂN XÃ HỘI”, khiến tôi liên tưởng đến dòng chảy văn hóa hết sức đặc sắc và độc đáo của các tộc người ở vùng đất mà mình đang sống, gắn bó hơn hai mươi năm qua. Vùng đất ấy chính là Tây Nguyên, nơi chạm vào đâu cũng gợi lên bản sắc văn hóa đậm đà. Cái bản sắc đó được truyền từ đời này sang đời khác trên cơ sở kế thừa và sáng tạo không ngừng để dòng chảy văn hóa ở đây trở nên sâu rộng và đa chiều hơn, nhằm phục vụ đời sống tinh thần của con người vốn phong phú và biến chuyển từng ngày.

Tôi đi tìm ý nghĩa “mẫu số ký ức” trên từ những con người cụ thể, họ đang sống và nỗ lực làm việc để tạo ra một sự thay đổi nào đó cho chính mình và cộng đồng chung quanh. Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêô (Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk) đồng ý với tôi quan điểm rằng, chỉ khu biệt và chứng minh cho được ý nghĩa hàm chứa trong thông điệp trên từ góc nhìn âm nhạc của các tộc người thiểu số ở đây mà thôi, chứ không dám chạm vào “phổ văn hóa” đầy màu sắc và nhiều tầng nấc của Tây Nguyên. Sự khu biệt này hy vọng cũng sẽ đem lại cho bạn đọc vài điều khám phá lý thú khi đến với vùng đất huyền hoặc và giàu mơ tưởng này. 

Diễn tấu ching Kram.
Diễn tấu ching Kram.

Điều đầu tiên, Y San nói với tôi một câu khá bất ngờ: “Nếu như không có chiêng tre (ching Kram) thân thuộc kia, e rằng sẽ không có âm nhạc cồng chiêng độc đáo và hoành tráng như bây giờ”. Có nghĩa là chiêng tre ra đời trước chiêng đồng? Tôi ngạc nhiên hỏi lại thì được Y San cắt nghĩa: Trước hay sau thì chưa thẩm định được, nhưng bất kỳ ai diễn tấu được cồng chiêng truyền thống đều phải học qua chiêng tre. Một thanh tre trúc được lấy từ rừng ra và đứa trẻ nào cũng có thể làm được cho mình loại nhạc cụ này. Và cứ thế, năm bảy đứa hợp lại đánh lên trong mọi không gian: trong nhà dài, trên nương rẫy hay bên khe suối… mỗi lúc rảnh rỗi. Nghệ sĩ Y San bảo: “Âm thanh ấy không phải tự nhiên mà cất lên được, nó phải chảy ra từ ký ức”. 

Phải rồi, trong các lễ hội hay một sự kiện đáng nhớ nào đó của mỗi gia đình và dòng tộc, tiếng chiêng được thông đạt từ con người đến với thần linh đã trở thành nỗi nhớ, thậm chí là nỗi “ám ảnh” đối với mọi thành viên trong cộng đồng, vì thế họ tìm cách lĩnh hội cho bằng được vốn âm nhạc tiêu biểu đó. Thế là một sáng tạo ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu ấy - bằng cách chuyển nỗi nhớ, sự ám ảnh kia vào những thanh tre gần gũi, dễ kiếm trong đời sống  thường ngày. Tại sao lại thế, nhất thiết phải là chiêng tre, chứ không phải chiêng đồng? Thắc mắc của tôi được Y San lý giải - là vì theo quan niệm xưa, chiêng (đồng) không được đánh lên một cách vô cớ, phải có “sự kiện” mới được phép. Chính vì quy định ngặt nghèo đó nên việc học đánh chiêng không phải là chuyện dễ dàng. Ai đam mê thì ngồi nghe và cái tai phải nhạy để ghi lại từng giai điệu, tiết tấu của mỗi bài chiêng đánh lên trong không gian “thiêng” được cộng đồng quy định. Nghe và học thuộc hết cả bài chiêng, nhưng không được phép đem dàn chiêng đồng ra tập dượt thì phải làm sao, chẳng lẽ để niềm đam mê ấy xa mờ? Y San nói rằng: “Trong cái khó, ló cái khôn”- thế là chiêng tre được lựa chọn như một giải pháp khả thi nhất. Người ta thoải mái diễn tấu loại âm nhạc “thần thánh” này trên tre trúc để ký ức về cồng chiêng được sống dậy khắp mọi nơi”. Và cũng từ đây, không biết lúc nào những dàn ching Kram đã đi vào đời sống âm nhạc cồng chiêng của người Tây Nguyên một cách tự nhiên như một phần cuộc sống, không thể tách rời.

Nghệ nhân diễn tấu dàn ching Kram cải tiến.
Nghệ nhân diễn tấu dàn ching Kram cải tiến.

Không dừng lại ở đó, ching Kram còn được tiếp tục kế thừa và sáng tạo thêm để trở thành loại nhạc cụ cơ hữu, tích hợp nhiều chức năng, tiện ích hơn nhằm tham gia hòa tấu với cả dàn nhạc hiện đại trong mọi hoàn cảnh và không gian diễn xướng. Có thể nói “cha đẻ” của dàn ching Kram cộng hưởng hiện nay là Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk). Ông là dânHà Nội gốc, vào Tây Nguyên sinh sống và mê đắm vốn âm nhạc dân gian của các tộc người thiểu số ở đây. Nhiều lần ông tâm sự: Đi khắp buôn xa, làng gần và gặp gỡ nhiều nghệ nhân mới hiểu ra nét văn hóa độc đáo của các tộc người bản xứ. Cái ching Kram là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho điều đó. Nhà nghèo không có chiêng đồng thì lấy ching Kram đón tiễn khách, diễn tấu và vui chơi trong những lúc nhàn rỗi. Âm vực tiếng ching Kram không lớn, âm sắc không phong phú thì những người nghệ sĩ trong dân gian khi diễn tấu kẹp thêm một ống tre phía dưới để cộng hưởng và khuếch đại âm thanh cho tiếng chiêng vang lên xa hơn. Từ nguyên lý này, Vũ Lân đã sáng tạo nên dàn ching Kram cộng hưởng bằng cách kết hợp 7 thanh tre (ching) lại với nhau theo hàng ngang, phía dưới là hàng ống thẳng đứng tương ứng để phát huy âm sắc, âm vực khi diễn tấu. Dàn ching Kram này ra mắt công chúng yêu âm nhạc vào những năm 90 của thế kỷ trước và lập tức được sự đón nhận, cổ vũ của khán giả trong nước và quốc tế. 

 
Hoàn thành nghĩa vụ và phát huy vốn văn hóa truyền thống một cách trân trọng mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là mỗi thế hệ phải có ý thức tạo dựng những giá trị truyền thống mới cho lớp sau kế thừa và phát triển. Có vậy bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc mới trường tồn.
Nghệ sĩ Nhân dân Y SAN ALÊO

Chừng 10 năm sau, dàn ching Kram cộng hưởng của Vũ Lân lại được nghệ nhân Trương Ân (Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk) cải tiến thêm một lần nữa để trở thành chiếc đàn “Piano Tây Nguyên”. Nghệ nhân này chia sẻ với tôi: “Đâu phải nhất thiết là chừng ấy thanh tre và ống cộng hưởng, 20-30 chiếc cũng được mà. Càng nhiều thì thang âm càng giàu lên, phong phú thêm, khi chơi sẽ dễ dàng hòa điệu với tất cả các loại nhạc cụ, từ truyền thống đến hiện đại”. Quả đúng như vậy, liên tiếp trong những năm 2003-2005, dàn ching Kram này đã chinh phục bạn bè quốc tế ở trời Âu như Pháp, Thụy Điển, Italia, Đan Mạch và Phần Lan. Giới âm nhạc gọi đó là chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” đương đại. Chưa hết, vào đầu tháng 10-2016 vừa qua, nghệ nhân Trương Ân thông tin cho tôi biết anh đang mày mò chế tác lại dàn ching Kram của mình theo hướng gọn nhẹ hơn để dễ dàng di chuyển trong khi biểu diễn. Ý tưởng này không phải mới bây giờ mà Trương Ân cũng đã làm rồi, từng biểu diễn cho tôi thấy cách đây mấy năm, nhưng theo anh là không đạt. Bởi vì những chiếc ching Kram đơn lẻ được kết lại trên cái giá bằng dây (đeo vào cổ và tỳ vào bụng) để vừa đi vừa đánh đã khiến động tác diễn xướng mất đi nét tự nhiên, uyển chuyển. Hơn nữa, do không có điểm tựa vững chắc nên giá đỡ dàn ching Kram lúc chùng xuống, lúc căng lên làm cho âm thanh bị phô, không chuẩn xác. Phải làm lại và khắc phục những nhược điểm trên - người nghệ nhân giàu tâm huyết này cương quyết. Nhưng bằng cách nào đó thì chưa biết, có thể lấy thắt lưng làm điểm tựa và những chiếc ching Kram cùng ống cộng hưởng sẽ được sắp xếp theo hình bán nguyệt trên giá đỡ bằng chất liệu khác để diễn tấu theo chiều trái - phải và ngược lại, chứ không phải từ dưới lên như anh đã từng thử nghiệm.

Chạm vào bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc là để búng lên một âm thanh, một giá trị mới góp phần làm giàu cho bản sắc - những nghệ sĩ trên đã tâm tình với tôi như thế. Và họ đều tâm niệm rằng, mỗi thế hệ đều có nghĩa vụ và sứ mạng của mình. Hoàn thành nghĩa vụ  phát huy vốn văn hóa truyền thống một cách trân trọng mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là mỗi thế hệ phải có ý thức tạo dựng những giá trị truyền thống mới cho lớp sau kế thừa và phát triển. Có vậy bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc mới trường tồn.

Bút ký của Đình Đối

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.