Để du lịch Đắk Lắk "cất cánh"
Với mục tiêu ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách vào năm 2020, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc tạo cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến – đầu tư
Sự phát triển của ngành du lịch giai đoạn 2012 - 2015 có sự đóng góp tích cực của hoạt động xúc tiến du lịch. Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng là tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tham gia các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014; các giải thể thao và hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, quốc tế tại địa phương..., việc kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác du lịch ở địa phương với nhiều vùng, miền trên cả nước cũng như quảng bá hình ảnh Đắk Lắk đến bạn bè quốc tế đã có nhiều khởi sắc.
Cũng trong giai đoạn này, tổng kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư của các tổ chức cá nhân trên 1.900 tỷ đồng, đạt hơn 250% kế hoạch. Nhờ vậy, có thể thấy, chỉ trong 3 năm đẩy mạnh phát triển đầu tư, ngành du lịch của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đó là hạ tầng du lịch được cải thiện, sản phẩm du lịch đổi mới, hấp dẫn hơn, hình thành một số điểm đến mới, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của du lịch Đắk Lắk giai đoạn tiếp theo.
Quầy bán hàng lưu niệm tại Khu du lịch Buôn Đôn. |
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngành Du lịch của tỉnh trong những năm qua tuy có những bước phát triển nhưng sự phát triển ấy vẫn thiếu năng động và bền vững, còn nhiều hạn chế trong thu hút, kêu gọi đầu tư cũng như tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch. Với quyết tâm tìm kiếm các nhà đầu tư giàu tiềm lực, tạo bước đột phá cho ngành kinh tế này, ngành Du lịch tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cho chiến lược phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt ra mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm. Và một trong những giải pháp mà tỉnh đang quyết liệt thực hiện đó là tập trung cải cách hành chính, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, gỡ bỏ một cách triệt để những lực cản đến từ nền hành chính để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đã được chính Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cam kết qua nhiều hội nghị đối thoại, các cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, và được hiện thực hóa bằng bản ký kết của UBND tỉnh với Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Những định hướng chiến lược
Theo Kế hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020, để có thể hiện thực mục tiêu đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Đắk Lắk là một trong những trọng điểm du lịch Việt Nam, tổngnguồn vốn đầu tư phát triển du lịch khoảng trên 9.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương và địa phương chỉ đảm đương khoảng trên 5%, số còn lại chủ yếu là xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy, điều kiện tiên quyết để ngành Du lịch có thể “cất cánh” chính là từ những chính sách, hành động, quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc mời gọi các doanh nghiệp thật sự có tâm huyết, tiềm lực mạnh cùng vào cuộc.
Để hiện thực các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, giải pháp trước mắt là tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm: khu du lịch Quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn), khu du lịch sinh thái văn hóa Suối Xanh (Buôn Ma Thuột), điểm du lịch thác Thủy Tiên (Krông Năng), điểm du lịch sinh thái đồi Cư H’lâm (Cư M’gar), Khu di tích lịch sử đồn điền CADA (Krông Pắc)... |
Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, để tạo bước đột phá cho phát triển du lịch, tỉnh đang tập trung vào 8 giải pháp gồm: lập quy hoạch, đầu tư phát triển; đa dạng hóa sản phẩm, chương trình du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và liên kết hợp tác; cải thiện môi trường du lịch; tuyên truyền, giáo dục; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo cơ chế chính sách và thu hút các nguồn lực đầu tư; nâng cao năng lực điều hành, quản lý Nhà nước về du lịch. Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như đã nêu chính là để hiện thực hóa các mục tiêu đưa ngành Du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch của cả nước và là điểm đến cạnh tranh trong vùng Tây Nguyên, trong nước và với các nước ASEAN.
Du khách cưỡi voi dọc sông Sêrêpôk, tham quan rừng nguyên sinh Yok Đôn. |
Xác định du lịch sinh thái, văn hóa là sản phẩm du lịch chính, tỉnh đã và đang tập trung nâng cao chất lượng các loại hình du lịch này. Riêng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch cà phê là sản phẩm mang tính đặc thù, đặc trưng riêng của vùng đất, trong thời gian qua đã phát triển nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp tự làm nên quy mô tổ chức chưa tốt, chính vì vậy, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển 7 buôn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh: Buôn Akô Dhông, buôn Krông B, buôn Tuor (TP. Buôn Ma Thuột); buôn Ya (huyện Krông Bông), buôn Yang Lành (huyện Buôn Đôn), buôn Thái (huyện Cư M’gar), buôn Tring (thị xã Buôn Hồ). Sau đó sẽ nhân rộng phát triển thêm một số buôn khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng tour cà phê bài bản, có chất lượng để vừa thu hút khách du lịch vừa góp phần quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, tập trung đầu tư để TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm trung chuyển dịch vụ, du lịch chính của tỉnh; hình thành và tạo sự kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch của tỉnh, cũng như với các khu, điểm du lịch của các tỉnh trong khu vực, sớm đưa du lịch là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2020.
Ngọc Khuê
Ý kiến bạn đọc