Du lịch huyện Lắk: Đánh thức tiềm năng thành thế mạnh
Ngoài những địa điểm hấp dẫn như hồ Lắk, biệt điện Bảo Đại, buôn cổ M’liêng… đã được du khách biết đến thì du lịch huyện Lắk còn có nhiều tiềm năng để đưa ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển.
Nhiều lợi thế, tiềm năng
Nói đến tiềm năng du lịch của huyện Lắk không thể không kể đến thác Bìm Bịp (xã Yang Tao) - địa điểm đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia vào năm 2016. Theo bảng chỉ dẫn của điểm du lịch (nằm trên Quốc lộ 27), men theo con đường nhựa dài khoảng 3 km, chúng tôi đến buôn Năm Pă để vào thác Bìm Bịp. Mất gần một giờ đi bộ, luồn lách qua những bụi rậm chằng chịt dây leo, rễ cây và những bậc đá cao cả mét chắn hết lối đi, thác Bìm Bịp hiện ra trước mắt chúng tôi thật hùng vĩ. Dòng nước chảy từ độ cao cả chục mét đổ xuống những tảng đá phía dưới tung bọt trắng xóa. Hai bên bờ thác có nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng như tấm phản rộng có thể cho ta nằm ngửa mình trên đá nghỉ ngơi hoặc ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh thư giãn sau quãng đường leo núi mỏi nhừ chân.
Du khách cưỡi voi du ngoạn hồ Lắk. |
Từ thác Bìm Bịp theo Quốc lộ 27 về hướng TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 5 km, là điểm du lịch hấp dẫn nhất của huyện Lắk, đó là hồ Lắk. Đây là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất cả nước rộng khoảng 500 ha, nằm ở độ cao hơn 500 m so với mặt nước biển. Nơi đây đã và đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước với vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, hoang sơ... Điểm du lịch này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào năm 1993.
Đến hồ Lắk, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hồ nước rộng mênh mông. Nằm cạnh hồ Lắk là buôn Jun với những ngôi nhà dài truyền thống nép mình hiền hòa dưới bóng những cây cổ thụ mát rượi. Bên kia hồ là buôn cổ M’liêng, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người M’nông. Du khách không thể bỏ qua thú vui ngất ngưởng trên lưng những chú voi khổng lồ thong thả lội qua hồ; hoặc tham quan, dạo chơi hồ Lắk bằng thuyền độc mộc đầy kỳ thú. Tối đến, du khách lại được chìm đắm trong không gian văn hóa cồng chiêng, được ngồi quây quần bên đống lửa bập bùng cùng nhịp xoang của người dân tộc thiểu số bản địa và thưởng thức rượu cần cùng những món ăn đặc sản như cơm lam, gà nướng, chả cá thác lác… mà không nơi nào có được.
Thác Bìm Bịp đang là một điểm du lịch thú vị của huyện Lắk. |
Ngoài ra, khi đến huyện Lắk, du khách còn có thể tham quan nhiều điểm đến thú vị khác như: Khu căn cứ cách mạng thác Ba Tầng (xã Krông Nô), Rừng đặc dụng Nam Ka, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin; khu nuôi nai và cá sấu của Ban quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường Hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại...
Đẩy mạnh đầu tư để phát triển
Thời gian qua, huyện Lắk đã rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển. Điển hình như các tuyến đường vào các điểm du lịch huyện Lắk hầu hết đã được bê tông, nhựa hóa với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng; đường điện chiếu sáng công cộng quanh hồ Lắk dài hơn 5,2 km với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng bảo đảm an toàn cho du khách khi dạo chơi, ngắm cảnh vào ban đêm…
Du khách chèo thuyền kayak dạo chơi trên hồ Lắk. |
Mới đây, Công ty TNHH Đường mòn Cao nguyên đã đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Lắk với diện tích hơn 48,7 ha. Ông Võ Ngọc Trung Đan, Phó Giám đốc Lak Tented Camp - Công ty TNHH Đường mòn Cao nguyên cho biết: Ngay khi được địa phương cấp phép đầu tư, Công ty đã triển khai xây dựng 15 khu nhà lều chuẩn 3 sao và 4 bungalow chuẩn VIP (nhà được thiết kế với diện tích nhỏ, riêng biệt, tính năng đơn giản nhưng rất cơ động và đầy đủ tiện nghi) nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước có nhu cầu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khi đến với điểm du lịch này, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống thì du khách còn được trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới như chèo thuyền kayak dạo hồ Lắk, tham quan và tham gia làm gốm tại làng gốm Dơng Bắk (xã Yang Tao), trực tiếp làm nương rẫy với bà con ở buôn cổ M’liêng…
Ông NAY Y NGỌC
|
Đánh giá về hiệu quả du lịch của huyện Lắk trong thời gian qua, ông Nay Y Ngọc, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk cho rằng, địa phương đã phát huy được thế mạnh của mình khi cơ sở vật chất đã được chú trọng đầu tư, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, số lượng khách đến tham quan du lịch ngày càng tăng cao. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên huyện Lắk sẽ tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Lắk giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng; ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng; tiến hành lập quy hoạch chi tiết các điểm du lịch; khởi công xây dựng và hoàn thành cơ bản những công trình kết cấu hạ tầng du lịch của huyện; kêu gọi đầu tư…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc