Multimedia Đọc Báo in

Theo chân nài voi

17:21, 30/01/2017

Với nài voi Y Lit Ksơr, buôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), con voi nhà có tên Pắk Blang không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là người bạn thân thiết. 

Lần theo vết chân voi

Sáng tinh mơ, chúng tôi theo chân anh Y Lit Ksơr lên rừng tìm voi Pắk Blang. Thường sau một ngày làm việc tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, voi được anh thả vào rừng để tự tìm thêm thức ăn, sáng sớm hôm sau lại đưa về để phục vụ du khách. 

Đường rừng nhiều đoạn ngoằn nghoèo, lởm chởm đất đá, nhưng bước chân Y Lit vẫn thoăn thoắt, nhẹ nhàng. Suốt hành trình, anh liên tục chia sẻ về người bạn đặc biệt của mình. Với một nài voi lâu năm như anh, voi nhà đồng hành như một người bạn hiền lành chung thủy, điều đáng sợ nhất là bị voi rừng tấn công và kẻ xấu sát hại. Đã hơn 1 lần, voi Pắk Blang lâm vào cảnh ngộ đó. Cách đây vài năm, chú voi này đã phải cắt mất một phần đuôi vì bị voi rừng cắn nham nhở, năm trước lại bị voi rừng tấn công phải chạy tháo thân… Dù cuối ngày thả voi lên rừng nhưng Y Lit vẫn không ngớt lo cho “bạn”, nhiều đêm mưa rả rích, anh không an lòng khi nghĩ đến voi vẫn đang ở trong rừng nên khi trời chưa kịp sáng đã vội vào đón. Chỉ khi thấy voi vẫn thong dong hái lá cây rừng, anh mới thở phào nhẹ nhõm…

Voi Pắk Blang ngồi theo hiệu lệnh của nài voi Y Lit.
Voi Pắk Blang ngồi theo hiệu lệnh của nài voi Y Lit.

Những câu chuyện của Y Lit suốt đường đi, khiến chúng tôi bớt mệt hơn. Luồn rừng được vài cây số, anh khẳng định voi Pắk Blang đang ăn ở khu vực này bởi nhận biết rõ tiếng chuông đeo trên cổ voi, những dấu chân của voi, thậm chí cả… phân voi thải ra trên đường đi. “Dù thả voi cả ngày hoặc cả tuần trong rừng, tôi cũng tìm được dấu của nó, bằng những tiếng động, dấu vết rất riêng mà nó để lại” - anh chia sẻ. 

Rẽ vào lối nhỏ trên rừng, Y Lit vừa đi, vừa gọi voi bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ có anh và voi mới hiểu. Thấy chủ nhân, chú voi ngoan ngoãn đứng im chờ tháo xích chân, nghe theo hiệu lệnh khuỵu chân xuống để chủ leo lên ngồi chắc trên cổ mình rồi ra khỏi bìa rừng, xuống suối tắm mát như mọi ngày. Được Y Lit kỳ cọ khắp người, chú voi khoan khoái đầm mình dưới dòng suối, thỉnh thoảng lại vẫy tai, phun nước tỏ ra rất thích thú… Thuộc lòng đường về nhà, chú voi nhẹ nhàng lướt về phía cổng phụ, thưởng thức bó mía tươi rói đã được chủ chuẩn bị sẵn cho mình…

Tình bạn đặc biệt!

Y Lit nghe bố kể lại, chú voi này được người dân săn bắt năm 1984. Tới năm 1998, gia đình anh mua lại với giá 60 triệu đồng, đặt tên cho nó là Pắk Blang. Tính đến nay, chú voi đã ngoài 30 tuổi, cao 2,7 m và nặng khoảng 4,5 tấn. Nhìn vẻ hiền lành, biết nghe lời của Pắk Blang hiện nay, ít ai biết nó từng rất “khó tính” khi mới về với gia đình Y Lit.

Ròng rã nhiều tháng trời, anh Y Lit tập cho Pắk Blang cách nhận biết mùi chủ và các hiệu lệnh cần thiết. Ban đầu, voi không tuân lệnh, luôn tỏ ra hung dữ, tìm cách bỏ chạy, khiến anh và gia đình nhiều lần phải tìm bắt lại. Nhưng rồi với sự kiên trì, khéo léo và cả tình cảm chân thành của người chủ, dần dần Pắk Blang đã được thuần phục.

Bài học “vỡ lòng” anh dạy cho Pắk Blang là những hướng dẫn, ký hiệu đơn giản, nhưng không dễ dàng chút nào: “xung” (nghĩa là đưa chân),  “huỵch” (đi), “hau” (ngừng), “chấc” (đứng)… Cứ vậy, voi Pắk Blang ngày càng “tiến bộ”. “Đã gần 20 năm, gia đình xem Pắk Blang như một thành viên thân thiết, ai cũng yêu quý nó. Cơ ngơi mà chúng tôi có được ngày hôm nay, Pắk Blang đóng góp rất lớn” - anh Y Lit bộc bạch. Cứ cách ngày, Pắk Blang theo anh Y Lit đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn để phục vụ khách du lịch. Mới đây, sau khi cưỡi voi Pắk Blang dạo quanh khu du lịch, anh Nguyễn Đình Hùng, một vị khách đến từ Hải Phòng trầm trồ: “Thật tuyệt khi được đến Buôn Đôn ngồi trên lưng voi để trải nghiệm những điều thú vị ở mảnh đất này. Không chỉ cảnh đẹp, mà người dân cũng rất thân thiện…”. 

Đồng hành cùng chủ gần 20 năm, voi Pắk Blang rất ít ốm, nhưng nhiều khi tỏ ra buồn bã, biếng ăn, hay rơi nước mắt, cả đôi tai và đuôi đều ủ rũ, không ve vẩy như thường ngày. Mỗi khi như vậy, anh Y Lit biết người bạn của mình đang nhớ rừng nên không ngại thả nó về với đại ngàn cả tuần liền, hằng ngày anh lại vào rừng kiểm tra, thăm nom sức khỏe của bạn…

Cứ mỗi dịp cuối năm, anh Y Lit lại làm lễ cúng sức khỏe cho voi. Cũng như những nài voi khác trên địa bàn huyện Buôn Đôn, lễ cúng là nghi thức cầu mong thần linh ban sức khỏe cho voi; đồng thời cũng là dịp để gia đình anh thể hiện sự tri ân dành cho voi Pắk Blang và cũng là lời nhắc nhở các thế hệ sau hãy biết quý mến, yêu thương, bảo vệ loài vật này…


Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.