Chinh phục núi Chứa Chan
Núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Núi còn có tên là Gia Lào, đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ (837 m so với mực nước biển). Núi gồm ba ngọn liên tiếp nhau hình vòng cung.
Từ TP. Hồ Chí Minh, du khách đi theo đường cao tốc đến Dầu Giây, rẽ phải theo đường 1A chừng 20 km, rẽ trái vào Tỉnh lộ 766 chừng 10 km, tiếp tục rẽ trái vào đường Chùa Gia Lào, đi hết đường sẽ tới Khu Di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan.
Tương truyền, thời chúa Nguyễn, lúc tiền nhân ta mở mang bờ cõi, núi Chứa Chan là một điểm trên con đường Nam tiến. Công nữ Ngọc Vạn (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên) đặt chân tới vùng đất này, thấy phong cảnh hữu tình, non xanh kỳ vĩ, đã dựng trại lập đền chùa, am miếu thờ phượng phật tổ, thần linh, tiền hiền, tiên tổ cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Tháp xá lợi trên núi Chứa Chan. |
Du khách hành hương thường chinh phục núi Chứa Chan bằng cách đi bộ. Có hai con đường lên núi Chứa Chan: theo lối đường Chùa và hướng đường cột điện. Bạn cũng có thể đi cáp treo lên núi để ngắm toàn cảnh vùng đất Xuân Lộc, Long Khánh mênh mông trải rộng, xa tít chân trời. Theo những bậc tam cấp, qua những đoạn đường láng xi măng hẹp, một bên là rừng cây, vách đá, một bên là mé vực sâu thẳm, ta sẽ gặp nhiều dòng suối nhỏ, chảy róc rách, len dưới những tán rừng thâm u. Từ dưới chân lên đỉnh núi, bạn sẽ gặp nhiều công trình kiến trúc, như: chùa Bửu Pháp, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn, chùa Quảng Đạo, Quan Âm Các, nhà nghỉ mát của Toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… Các “Giếng tiên” như miệng thúng, nước không bao giờ cạn, rải rác đây đó hình thành nên một quần thể độc đáo. Du khách sẽ gặp “Cây đa ba gốc một ngọn” rất nổi tiếng. Lên tới đỉnh núi, du khách được chiêm ngưỡng những bãi đá điệp trùng, xếp chồng lên nhau tạo nên những những hang động bí hiểm, ăn sâu vào lòng núi. Trong các hang động, thường có những khe nước nhỏ nước chảy quanh năm. Các thiền sư, ẩn sĩ xưa kia trú mình nơi đây để thiền định, một ít dấu vết còn lại đến ngày nay như dấu khắc trên vách đá, hương án thờ, vách đá bị lửa ám…
Núi Chứa Chan và vùng lân cận là nơi cư trú lâu đời của dân tộc Chơ-ro nổi tiếng với phong tục tập quán độc đáo “cà răng, căng tai”. Vùng núi này cũng ẩn chứa sự đa dạng sinh học với nhiều loài cây đặc hữu của rừng nhiệt đới ẩm như bằng lăng, gõ, dầu lông, trâm mét, sung, gáo...; có khá nhiều loài chim, thú quý hiếm nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam.
Đến núi Chứa Chan, bạn có thể đi và về chỉ trong gần một ngày. Hoặc nếu muốn, có thể ngủ đêm trên đỉnh núi để trải nghiệm cảm giác thú vị giữa thiên nhiên, núi rừng hoang dã. Bạn cần trang bị gọn nhẹ một số đồ dùng, dụng cụ thiết yếu: Một đôi giày vải đế mềm để di chuyển lên đến đỉnh núi; mang theo nửa lít nước cho cuộc hành trình. Nếu ở lại trên núi qua đêm thì phải có lều trại, túi ngủ, bật lửa, đồ ăn thức uống, một số thuốc như thuốc đau bụng, đau đầu, dầu gió. Nên đi nhóm tập trung từ 10 người trở lên và tuân theo kỷ luật, sinh hoạt của nhóm, hỗ trợ nhau khi có sự cố…
Núi Chứa Chan là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách bởi sự kỳ vĩ, nên thơ, tĩnh lặng. Du khách đắm mình thưởng ngoạn vẻ đẹp, sự trong lành của thiên nhiên; viếng chùa cầu bình an, lắng lòng thanh thản, rút bỏ ưu phiền. Ở núi Chứa Chan thường có lễ hội lớn như lễ Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn, giỗ tổ Khai sơn độc đáo, thu hút đông đảo nhân dân, du khách hằng năm. Núi Chứa Chan đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc