Multimedia Đọc Báo in

Chùa Đại Tuệ, không gian văn hóa tâm linh xứ Nghệ

09:14, 24/02/2017

Chùa Đại Tuệ trên dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) còn có tên gọi khác là chùa Cao, Chùa Đại Huệ - đây là nơi duy nhất ở nước ta thờ Phật bà Đại Tuệ.

Tương truyền, Chùa Đại Tuệ có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa này được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Năm 1788 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu Quang Trung cùng ba quân tướng sĩ thẳng tiến ra Bắc để đánh đuổi 29 vạn quân Thanh. Khi đến Nghệ An, ông dừng chân ở chân núi Lam Thành (huyện Hưng Nguyên). Sau lễ duyệt binh lớn ở núi Thành, Hoàng đế Quang Trung cho ba quân tướng sĩ vượt qua dãy núi Đại Huệ. Khi đến đỉnh núi, Hoàng đế và bộ chỉ huy đã vào chùa Đại Tuệ dâng hương lễ Phật, cầu xin chư Phật trong chùa ban thêm trí tuệ, sức mạnh để đánh bại giặc ngoại xâm. Tại đây, vua Quang Trung được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng (con đường từ núi Đại Huệ xuyên qua Hồ Nộn (tức Bàu Nón ở xã Nộn Liễu cũ) vừa tránh được tai mắt kẻ địch, vừa rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Sau chiến thắng lừng lẫy mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), trên đường trở về, Hoàng đế Quang Trung đã lên chùa dâng hương cảm tạ Đức Phật Mẫu Đại Tuệ và xuống chiếu cấp ruộng đất để mở rộng quy mô chùa.

Du khách vãn cảnh Chùa Đại Tuệ đầu xuân Đinh Dậu 2017.
Du khách vãn cảnh Chùa Đại Tuệ đầu xuân Đinh Dậu 2017.

Nơi đây trời đất linh thiêng. Phía Tây có một tảng đá lớn, khi dùng đá gõ vào thì âm thanh phát ra như tiếng mõ, gọi là đá Mõ; phía Đông chếch Bắc có một tảng đá tương tự nhưng gõ vào lại nghe như tiếng chuông đồng, gọi là đá Chuông. Phía trước chùa có một tảng đá lớn trông tựa một chiếc ghế, gọi là Thạch Ngai. Cách chùa không xa là một giếng nước quanh năm không hề cạn, gọi là Thạch Tỉnh (Giếng Ngọc). Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” ghi: Đây là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà Minh Thái Tổ hằng năm đều điều sứ thần sang tận nơi tế lễ.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, Chùa Đại Tuệ xưa chỉ còn lại mái nhà tranh. Với ý nghĩa văn hóa, tâm linh, năm 2011,  UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho phục dựng và thỉnh sư trụ trì (Thượng tọa Thích Thọ Lạc) cùng với nhân dân và Phật tử thập phương chung tay góp sức trùng tu Chùa Đại Tuệ trên dãy núi Đại Huệ.

Chùa tọa lạc trên động Thăng Thiên ở độ cao 450 mét so với mực nước biển, nằm trên khuôn viên khoảng 6000 m2 trong một không gian tĩnh lặng, phong cảnh thơ mộng. Từ đỉnh Thăng Thiên của chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh.

Năm 2016, Chùa Đại Tuệ vinh dự được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. Đầu năm 2017, Chùa Đại Tuệ vinh dự được Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ cung nghinh Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới và xá - lợi chư Thánh tăng từ chùa Diệc (TP. Vinh) về an vị tại chùa. Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới là bức tượng Phật được chạm khắc từ khối ngọc bích nguyên khối nặng 18 tấn, phát hiện tại Canada vào năm 2000 và được các nghệ nhân hàng đầu Thái Lan thực hiện hoàn thành tháng 12-2008. Đây là pho tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới được tạc theo khuôn tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong bảo tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ).    

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.