Multimedia Đọc Báo in

Đua thuyền truyền thống trên đất Tây Nguyên

09:35, 07/02/2017

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Krông Ana tổ chức Giải đua thuyền truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Năm nay giải thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ cùng với số đội tham gia nhiều nhất từ trước đến nay.

Ngay từ sáng sớm, dòng người trên các nẻo đường đã đổ về khu vực Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp)-địa điểm tổ chức đua thuyền để chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất quan sát các đội đua. Vượt hơn 40 km từ TP. Buôn Ma Thuột vào huyện Krông Ana xem các tay chèo thử sức trên làn đua xanh, chị Nguyễn Thị Duyên Hạ hào hứng: “Qua các phương tiện thông tin quảng bá về giải đua thuyền, tôi cũng muốn đi xem cho biết và đã không uổng công khi hòa mình trong một không khí lễ hội thật náo nhiệt, phấn khích”. Còn với những người dân huyện Krông Ana, giải đua thuyền truyền thống cấp tỉnh được tổ chức ngay trên địa bàn huyện đã trở thành niềm tự hào, một sản phẩm du lịch giới thiệu với du khách về mảnh đất, con người Krông Ana hiền hòa, mến khách thì không một ai muốn bỏ lỡ cơ hội góp mặt, vì vậy mọi người có mặt từ rất sớm, cổ vũ nồng nhiệt cho các đội mà mình yêu thích. Không khí lễ hội thật sự “nóng” lên khi các thuyền đua xuất phát sau mỗi lượt đua, tiếng reo hò, cổ động kèm theo tiếng trống giục giã, dậy sóng vang lên cả một góc trời như tiếp thêm sức cho các tay chèo dốc toàn lực, lướt sóng về đích.

Đông đảo người dân đến xem, cổ vũ cho các thuyền đua.
Đông đảo người dân đến xem, cổ vũ cho các thuyền đua.

Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Đắk Lắk lần thứ X năm 2017 có 29 thuyền đua với gần 600 vận động viên đến từ các xã: Bình Hòa, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp, trong đó Quảng Điền có lực lượng tham gia hùng hậu nhất với 14 thuyền đua. Theo thể lệ đua, các thuyền chia thành 9 lượt đua, mỗi lượt gồm 4 đội (riêng lượt thứ 4, thứ 6 và thứ 8 có 3 đội), chọn đội về nhất, nhì ở các lượt có 4 đội và đội về nhất của các lượt 4, 6, 8 vào thi đấu tứ kết. Ông Lê Lựu, chủ thuyền của đội 1, thôn 1, xã Bình Hòa cho biết: “Tham dự giải năm nay chúng tôi đã có sự chuẩn bị, đầu tư rất kỹ, các tay chèo được tuyển chọn từ những người giỏi nhất và được luyện tập nghiêm túc. Trước Tết đội còn “tranh thủ” khởi động, làm quen với đường đua để mọi người có được sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý nhằm đạt kết quả tốt nhất”. Ngoài ra các thuyền đua còn chú trọng, tạo “bản sắc riêng” của đội qua việc đầu tư cho trang phục riêng cũng như trang trí thuyền đua, bởi vậy khi 29 thuyền tập kết chuẩn bị xuất phát trên mặt nước trong xanh, khu vực Hồ Sen được trang điểm bởi những màu sắc bắt mắt, rực rỡ.

 Các thuyền đua tăng tốc về đích.
Các thuyền đua tăng tốc về đích.

Sự mong mỏi, chờ đợi của khán giả cũng được đền đáp xứng đáng khi cuộc đua bắt đầu. Cứ sau mỗi lượt thuyền đua xuất phát, bứt phá về đích, người xem lại chứng kiến sự cạnh tranh hết sức gay cấn, quyết liệt giữa các tay chèo khi tất cả đều dốc toàn sức, đưa thuyền băng băng về đích. Kết quả sau 12 lượt đua hào hứng, sôi nổi, thuyền đua của đội 2, thôn 2, xã Quảng Điền, chủ thuyền Nguyễn Văn Tư đoạt giải Nhất; đội 3, thôn 3, xã Quảng Điền, chủ thuyền Trần Văn Lực đoạt giải Nhì và giải Ba thuộc về đội 1, thôn 1, xã Bình Hòa, chủ thuyền Lê Lựu.

Ông Trần Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết về nguồn gốc của giải đua thuyền truyền thống này: sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (năm 1975), theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, người dân nhiều địa phương, trong đó có bà con ở các vùng sông nước của tỉnh Quảng Nam đi xây dựng kinh tế mới, lập nghiệp trên vùng đất Krông Ana. Trên quê hương mới họ vẫn gắn bó với dòng sông, cây lúa, sau những vụ mùa kết thúc, bà con ở các xã Quảng Điền, Bình Hòa lại tổ chức đua thuyền vừa để giao lưu, rèn luyện sức khỏe, vừa có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này vẫn được bà con lưu giữ từ khi mới vào Đắk Lắk đến nay với hơn 30 mùa giải được tổ chức. Ban đầu, giải chỉ tổ chức ở quy mô cấp xã, sau trở thành giải đua thuyền truyền thống cấp huyện Krông Ana, đến năm 2008 thì được nâng lên thành giải đua thuyền truyền thống cấp tỉnh. Hoạt động thể thao này đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Krông Ana, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ người dân đất Quảng trên Tây Nguyên.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc