Multimedia Đọc Báo in

Sáo vỗ - kết quả từ niềm đam mê

17:17, 02/02/2017

Trên nền tảng phong phú, giàu bản sắc của âm nhạc Tây Nguyên, nhiều nghệ sĩ đã sáng tạo ra những nhạc cụ độc đáo. Đối với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Lân, cũng chỉ từ một sự tình cờ ông đã chế tác ra cây sáo vỗ để âm nhạc Tây Nguyên thêm rộn ràng âm sắc.

Chuyện từ một người nghệ sĩ mù

NSƯT Vũ Lân kể, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong một lần đi công tác đến xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, ông tình cờ gặp một nghệ nhân mù tên là Y Cel Niê. Sẽ chẳng có gì để kể nếu như nghệ nhân ấy không thổi thứ âm thanh da diết như tiếng khóc than của bài gọi Giàng qua chiếc Ki pah. Chính người nghệ nhân mù này và tiếng Ki Pah đã làm ông say mê và đi vào con đường nghiên cứu về nhạc cụ và âm nhạc dân gian Êđê ở Đắk Lắk. Rồi trong những chuyến đi thực tế sau đó, ông có dịp tiếp cận và tìm hiểu nhiều nhạc cụ dân tộc khác của Tây Nguyên. Mỗi một loại nhạc cụ lại có những âm thanh riêng biệt, độc đáo, khiến niềm say mê âm nhạc truyền thống của người Tây Nguyên trong người con Hà Thành này như được nhân lên. Sau âm thanh da diết của Ki pah, âm thanh sâu lắng của Đing buốt đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Lúc thì buồn ai oán, lúc thì vút cao lên với tất cả những khát vọng cháy bỏng của người dân trên vùng đất cao nguyên này như hiện diện rõ nét trong tiếng Đing buốt. Và trong một lần chế tác Đing buốt, ông nảy ra ý nghĩ thử dùng cách diễn tấu của Ki pah vào cây Đing buốt mà không khoét lỗ xem ra sao. Và cây Sáo vỗ ra đời từ đó. Vốn xuất thân từ nghề múa, NSƯT Vũ Lân đã phải tập từ năm 1986 đến 1988 mới sử dụng được loại nhạc cụ do mình sáng tạo ra. Tiếng Ki pah da diết, tiếng Đing buốt giàu chất trữ tình đã được NSƯT Vũ Lân “gói gọn” trong cây Sáo vỗ này. Âm thanh của sáo được tạo ra bởi các động tác vỗ, rung, day, chặn, bịt của đôi tay nghệ nhân. Sáo vỗ ra đời là sự kết tinh niềm say mê của người con đất Hà Thành dành cho nhạc cụ dân tộc và nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên.

NSND Y San Alêô diễn tấu Sáo vỗ cùng dàn nhạc truyền thống.
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêô diễn tấu Sáo vỗ cùng dàn nhạc truyền thống.

Hành trình “bước ra ánh sáng”

Cuối năm 1988, nhân một chuyến làm phim của Đài Truyền hình Cần Thơ tại Đắk Lắk về những nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ dân tộc, trong một buổi giao lưu NSƯT Vũ Lân đã mang cây Sáo vỗ ra thổi “góp vui”. Mãi đến năm 1993, trong Liên hoan Cồng chiêng và Đua voi tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, NSƯT Vũ Lân đã trình diễn tác phẩm “Làng buôn vào hội” do chính ông sáng tác. Sau lần đầu tiên ấy, cây Sáo vỗ chính thức được đưa lên sân khấu. 

Nói về những người thành công với cây Sáo vỗ, NSƯT Vũ Lân cho rằng chỉ có hai người thuộc diện xuất sắc, đó là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Y San Alêô (Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk) và nghệ sĩ Đức Dậu (Đoàn Phù Đổng, TP. Hồ Chí Minh). Đặc biệt sau khi cùng với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tạo nên tiếng vang tại một Hội diễn Nghệ thuật toàn quân, nghệ sĩ Y San Alêô đã gắn mình với cây Sáo vỗ. Với một tâm hồn nhạy cảm ươm trong nhịp điệu của ching chêng, những âm thanh huyền ảo của đại ngàn, cây Sáo vỗ trong tay Y San Alêô đã làm rung động trái tim và sự khâm phục của bạn yêu nhạc trong cả nước và quốc tế. Những chuyến lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, độc tấu Sáo vỗ của nghệ sĩ Y San Alêô luôn là một trong những tiết mục chủ chốt trong chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Có một sự trùng hợp khá đặc biệt, là một trong những gương mặt đại diện cho thế hệ trẻ diễn tấu Sáo vỗ khá thành công hiện nay lại có tên, họ trùng với nghệ nhân mù năm xưa - Y Cel Niê.

Hơn 3 thập kỷ ra đời, trải qua bao thăng trầm, âm thanh của Sáo vỗ như đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng âm nhạc Tây Nguyên. Âm thanh đầy mê hoặc của cây Sáo vỗ vẫn khiến bao người say đắm khi nhắc đến mảnh đất Tây Nguyên. Và một trong những cái làm nên đặc trưng, thành công riêng của tên tuổi Vũ Lân đó cũng chính là cây Sáo vỗ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc