Multimedia Đọc Báo in

"Bảo vật" của buôn Tring

09:01, 22/03/2017

Nằm giữa lòng thị xã Buôn Hồ nhộn nhịp, nhưng người dân buôn Tring 2 (phường An Lạc) hầu hết vẫn giữ nếp sinh hoạt ở nhà sàn và đặc biệt là bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng.

Với bà con nơi đây, cồng chiêng được xem là “bảo vật” và luôn mang lại nhiều may mắn cho gia đình. Muốn được xem tận mắt cồng chiêng của nhà nào phải là khách quý của nhà đó hoặc phải đi cùng người có uy tín trong buôn làng đến thì chủ nhà mới cho xem. Ghé thăm nhà bà H’Lil Mlô (còn gọi là Amí Thin), nhà Amí có một bộ cồng chiêng, nhưng do có con gái đang bị ốm nằm viện nên bà không cho xem, vì buôn làng coi việc này là kiêng kỵ. Quan niệm của người Êđê, trừ đám tang thì chỉ đánh cồng chiêng cầu cho người trong buôn làng, gia đình được khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, mùa màng tốt tươi. Bởi thế nên, cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây, có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa, lễ hội: cúng bến nước, mừng cơm mới… Amí Thin kể, tại các lễ quan trọng của người Êđê trong buôn, cúng từ một con heo nái trở lên mới được đánh cồng chiêng. Mở đầu lễ là bài cồng chiêng chào mừng, chỉ được đánh dưới 5 phút. Tiếp đến là bài đón lễ, gia chủ sẽ đón mời khách vào nhà, sắp xếp chỗ ngồi xong xuôi mới bắt đầu cúng lễ. Trong quá trình đón lễ, cúng lễ các bài cồng chiêng được đánh tầm trên dưới 5 phút, người đánh phải căn chỉnh sao cho phù hợp với thời gian. Khi bài mời rượu vang lên, chủ nhà công bố lý do, cảm ơn những người đến dự và theo phong tục của người Êđê chủ nhà sẽ lần lượt mời rượu phụ nữ trước, đàn ông sau trong tiếng cồng chiêng dồn dập khoảng 10 phút. Để đáp lại tình cảm của chủ nhà với bà con buôn làng, bên ché rượu cần cạnh bếp lửa hồng, người ta uống rượu, nhảy múa, chuyện trò và thay phiên nhau tấu các bài mừng chủ nhà vang vọng khắp buôn làng.

Cồng chiêng của gia đình ông Y Phut Niê, buôn Tring 2.
Cồng chiêng của gia đình ông Y Phut Niê, buôn Tring 2.

Ghé thăm nhà bà H’Rít Mlô (thường gọi là Amí Bích), gia đình Amí cũng đang lưu giữ 1 bộ cồng chiêng. Để đưa ra xem phải chờ khá lâu vì gia đình bà rất quý bộ cồng chiêng này nên cất giữ rất kỹ. Amí Bích cho biết, bộ cồng chiêng này đã có từ rất lâu, từ khi bà sinh ra đã có rồi, được ông bà truyền lại từ đời này qua đời khác. Đến nay, dù kinh tế đã khá hơn nhưng gia đình vẫn giữ nếp sinh hoạt ở nhà sàn và dạy cho con cháu đánh cồng chiêng.

Ông Y Phut Niê ngồi trên Kpan dài say sưa kể, khi đánh cồng chiêng tại chỗ, trong gia đình thì đánh đầy đủ 10 chiếc, còn khi cho buôn làng mượn đánh trong các dịp lễ hội, do nặng và kích thước lớn nên chỉ đưa đi 7 chiếc. Cồng chiêng của gia đình được ông thường xuyên lau chùi sạch sẽ và cất giữ cẩn thận. Đã có nhiều người đến hỏi mua nhưng ông không bán. Theo ông, tiền bán được nhiều đến đâu tiêu cũng hết, nhưng cồng chiêng thì vẫn còn mãi mãi. Hơn nữa, ông bà đã để lại cho mình thì mình có nghĩa vụ phải giữ gìn và truyền lại cho con cháu.

Thùy Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.