Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

08:49, 10/03/2017

Trong đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên có rất nhiều nghi lễ quan trọng diễn ra. Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017, nhiều nghi lễ quan trọng, đặc trưng sẽ được nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên phục dựng theo đúng nguyên bản của văn hóa dân tộc mình.

Chẳng hạn, đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông sẽ phục dựng Nghi lễ cưới của người M’Nông với đối tượng cụ thể là một đám cưới truyền thống của người M’Nông Prâng giữa cô dâu H’Noel và chú rể K’Lem, cùng cư trú tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Theo tín ngưỡng của đồng bào M'Nông, ngoài hệ thống nghi lễ nông nghiệp và một số lễ hội lớn của cả cộng đồng như lễ Nglăp Bon, lễ cúng bến nước, lễ Tach Năng…, từ lúc còn là thai nhi đến lúc chết, thành viên nào trong gia đình cũng được trải qua một số nghi lễ, trong đó, lễ cưới là một lễ lớn và hết sức quan trọng của hệ thống nghi lễ vòng đời người. Đoàn nghệ nhân Đắk Nông sẽ trình diễn đầy đủ nghi thức và lễ vật của một lễ cưới của người M'Nông từ Lễ dạm ngõ, đến Lễ cưới tại nhà gái với nghi thức quan trọng nhất là Nkắp Kông (trùm chăn lên cô dâu chú rể đang nằm trước sự chứng kiến của đông đảo bà con hai họ)… Trong quá trình thực hiện lễ cưới, các nghệ nhân cũng tái hiện nghi thức Wer Po Wa (nghĩa là cấm kị), thể hiện sự tôn trọng của hai họ đối với nhau. Đây cũng là một nghi lễ quan trọng bởi kể từ đây, cô dâu và chú rể phải biết nể trọng những người thân có vai lớn hơn mình và tuân thủ những điều cấm kỵ được coi là xúc phạm tới họ theo luật tục của người M’Nông...

Trong khi đó, Nghi lễ cầu mưa – Cầu no đủ và Lễ kết nghĩa anh em sẽ được đoàn nghệ nhân Đắk Lắk phục dựng đầy đủ với cảnh quan một chòi Pưk có 2 tầng, tầng trên thờ Êa Diê và Aduôn Diê (ông trời, bà trời), tầng dưới là kho lúa; một tượng đầu thần ác (Yang Liê) đã bị kiếm bổ vào đầu đặt trước cầu thang để ngược biểu trưng thần ác đã bị trừng trị không làm hại buôn làng, mùa màng được nữa; bốn chòi nhỏ tượng trưng chòi giữ lúa được đặt chung quanh; một cây cột lễ cao 3 mét đặt chính giữa có ghế ngồ đánh chiêng, chiếu trải xung quanh cho dân làng ngồi; trong nhà dài có cột lễ Gơng Hdrai, ghế Kpan và bếp lửa.

Một lễ cúng của đồng bào Êđê được thực hiện tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn.
Một lễ cúng của đồng bào Êđê được thực hiện tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn.

Đoàn nghệ nhân dân tộc K’ho (thôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) sẽ phục dựng Lễ mừng lúa mới của đồng bào K’ho Srê. Lễ mừng lúa mới được phục dựng quanh cây nêu cao khoảng 7 mét, dàn chiêng 6 (nữ), các lễ vật hiến sinh, rượu cần, thịt nướng, những gùi lúa mới và các vật dụng sinh hoạt lao động sản xuất, vật dụng đời sống tâm linh… như cuộc sống hằng ngày tại buôn làng.

Một trong những nghi lễ quan trọng của người Bahnar tỉnh Gia Lai là Lễ cúng nhà rông mới cũng được các nghệ nhân làng Mơhra, thuộc xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tái hiện đầy đủ. Người Bahnar làng Mơhra gọi Lễ cúng nhà rông mới là Sơmah atok hnam rông nao. Theo bà con, nhà rông là biểu tượng của cộng đồng, cúng nhà rông là dịp cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ dân làng trong thời gian qua, xin được bình an, phát triển trong thời gian tới...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh giới thiệu một số nét văn hóa truyền thống đến du khách quốc tế tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2015.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh giới thiệu một số nét văn hóa truyền thống đến du khách quốc tế tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2015.

Cùng với sự vận động của cuộc sống, nhiều nghi lễ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung, các dân tộc Tây Nguyên nói riêng dần bị mai một. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể nói việc ít được sử dụng khi không gian để văn hóa truyền thống phô diễn đang dần bị thu hẹp là một trong những nguyên nhân cốt lõi. Nhận thức được vấn đề này, Ban tổ chức Lễ hội đã nỗ lực đưa việc phục dựng các nghi thức truyền thống gần hơn với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chẳng hạn Lễ cúng nhà rông mới của đoàn nghệ nhân Kon Tum sẽ được tổ chức tại sân khấu Nhà Văn hóa xã Krông Na, huyện Buôn Đôn; Nghi lễ bắc máng nước của dân tộc Sê Đăng tỉnh Kon Tum sẽ được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái văn hóa buôn Ko Tam; Nghi lễ cầu mưa – Cầu no đủ và Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê sẽ được tổ chức phục dựng tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột)… Điều quan trọng hơn, những nghi lễ này được phục dựng, trình diễn trước đông đảo du khách trong và ngoài nước sẽ là cơ hội tốt để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Theo nghệ nhân Y’ Blớt Kbuôr (buôn Ayun, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar), Nghi lễ cầu mưa – Cầu no đủ và Lễ kết nghĩa anh em là những nghi lễ thường xuyên được buôn làng tổ chức. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên việc trình diễn nghi lễ được thực hiện trong không khí lễ hội. Trong khi đó, già làng buôn Ayun Ae Hlê chia sẻ, việc đoàn nghệ nhân buôn Ayun được tỉnh chọn tham gia phục dựng các nghi lễ truyền thống là vinh dự rất lớn cho buôn làng và đây cũng là cơ hội để đồng bào giới thiệu nét đẹp truyền thống đến với nhiều người hơn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.