Ký ức nhà dài
Ngôi nhà dài trong ký ức người Êđê chẳng bao giờ phai mờ. Nó gắn bó máu thịt với từng thành viên trong mỗi gia đình. Vì thế, khi có điều kiện ai cũng nghĩ đến việc dựng một ngôi nhà dài cho mình và cho con cháu mai sau.
Nhìn mà buồn
Đặc biệt với người đã có tuổi, ngôi nhà dài của tổ tiên, ông bà để lại là di sản quý báu vô cùng. Bởi vậy khi thấy thực trạng hàng loạt ngôi nhà dài lần lượt biến mất trong đời sống cộng đồng, ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Nghệ nhân Y Míp (buôn Kô Sier, phường Tân Lập - TP. Buôn Ma Thuột) bảo rằng: Không riêng gì buôn này, mà nhiều buôn khác trên địa bàn Đắk Lắk, ngôi nhà truyền đời ấy cứ lần lượt biến mất trong cơn lốc đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Thay vào đó, nhiều ngôi nhà mới theo kiến trúc hiện đại mọc lên san sát với vô số hình khối, kiểu dáng khác nhau, trông nặng nề và lạc lõng quá, chẳng ăn nhập gì với không gian sống và cũng là không gian văn hóa đậm đà bản sắc của người bản địa. Điều nhức nhối ấy đâu phải một mình Y Míp đau đáu, mà những người có tâm huyết khác đều ngậm ngùi, lo ngại.
Một ngôi nhà dài ở buôn Akô D'hông, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia |
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên thì nhiều, nhưng tựu trung lại cũng vì hoàn cảnh sống thực tế dẫn dắt và chi phối: Để lại ngôi nhà dài, nhất là ở trong các khu đô thị thì chiếm rất nhiều đất, trong khi gia đình nào cũng đông con cháu, có nhà đến ba bốn thế hệ - và đứa nào cũng có nhu cầu đất ở để làm cái nhà mới. Thế là đất đai và không gian sống trong nhiều buôn làng bị chia nhỏ ra để đáp ứng nhu cầu tối thiểu đó. Ông Ama Khoan (buôn Akô D’hông), ông Ksor Lý (buôn Păn Lăm), hay Mí H’Lim (buôn Alê A) - ở TP. Buôn Ma Thuột đều cho rằng: Từ những nhu cầu bức thiết ấy nên họ mới có sự chọn lựa “bất đắc dĩ” trên, khiến buôn làng - mà hạt nhân trung tâm là những ngôi nhà dài truyền thống lần lượt biến mất khỏi đời sống cộng đồng. Còn trong sâu thẳm của mọi người, họ vẫn tin một ngày nào đó, điều kiện sống khá hơn, không bắt con người ta phải có sự chọn lựa ngoài ý muốn, thì ngôi nhà dài lại được xây dựng như xưa…
Thực hiện ước mơ
Ước mơ đó, giờ đây đang trở thành hiện thực ở nhiều nơi và buôn Akô D’hông là một ví dụ điển hình. Trong số 28 ngôi nhà dài được cả cộng đồng nỗ lực gìn giữ từ hơn nửa thế kỷ qua, đến nay không ít ngôi nhà đã bị mục nát, hư hại… hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó mà phải hạ xuống, đến nay đã được không ít gia đình đầu tư sửa sang và làm mới lại khang trang, đàng hoàng hơn.
Du khách đến tham quan một ngôi nhà dài ở buôn Kô Sier (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H. Gia |
Ông Ama Khoan, chị H’Linh đã bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện ý nguyện làm lại những ngôi nhà dài đúng nghĩa của cha ông, dân tộc mình. Tiếp đó, ngôi nhà của già Ama Rin đã khuất cũng được con cháu chung sức dựng lại ngay trên nền đất cũ. Ca sĩ Y Jắk - con trai cụ tâm sự: “Cả đời ông chỉ có ước nguyện ấy, một ngôi nhà dài theo kiến trúc của người Êđê để làm nơi đón khách, thực hành nghi lễ văn hóa và tổ chức sinh hoạt cộng đồng”. Phải nói rằng, hình ảnh ngôi nhà truyền thống từ lâu đã thấm vào máu thịt, tiềm thức của mỗi người. Bởi vậy khi có điều kiện, ai cũng nghĩ đến hình ảnh ấy - và có lẽ ý thức về nguồn cội của mỗi cộng đồng dân tộc là mạch nguồn cháy mãi không bao giờ tắt trong suy nghĩ và khát vọng của mỗi người - chị H’Linh tâm tình.
“Nhờ ý nguyện khôi phục lại nhà dài truyền thống ngày càng thấm sâu trong tâm hồn mọi người, nhất là lớp trẻ mà nhiều buôn làng đã hồi sinh lại không gian sống như xưa với những nếp nhà dài của ông bà, tổ tiên sáng tạo và gìn giữ từ bao đời nay”
Già Ama Khoan, buôn A’kô D’hông, TP. Buôn Ma Thuột
|
Đúng như vậy, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và cả Đắk Lắk nói chung, đến bây giờ có nhiều ngôi nhà dài mới đã được con cháu của họ làm lại, dù vật liệu không hoàn toàn bằng gỗ, nhưng cũng đàng hoàng, đẹp đẽ hơn. Ở Buôn Ky chẳng hạn, khoảng những năm 1998-2000, nhà Y Ngâm, Y Lung và nhiều người nữa, do túng thiếu phải bán đi ngôi nhà dài và một phần đất của cha ông để lấy tiền cho con cái ăn học và kiếm kế mưu sinh. Khi bấm bụng làm điều đó, họ đều có chung tâm sự: Buồn và cảm thấy có lỗi với bản thân, gia đình và cộng đồng chung quanh. Đến nay, sau nhiều năm làm ăn, tích cóp cùng với sự hỗ trợ của con cái đã thành đạt, Y Lung và Y Ngâm đã làm lại một ngôi nhà dài như trước trên mảnh đất của mình.
Từ những con người, hoàn cảnh và suy tư nói trên cho thấy một điều: Dù trải qua bao thăng trầm của đời sống, tất cả họ đều trăn trở trước những giá trị văn hóa của dân tộc mình để lại. Và với nhà dài, dù kinh qua những “khúc quanh” của lịch sử, cũng như mọi biến động thời cuộc khiến đâu đó trong các buôn làng - do điều kiện khách quan chi phối, hoặc do suy nghĩ nhất thời nên một số người phải hạ thấp và bê tông hóa vốn kiến trúc độc đáo và đặc trưng của dân tộc mình. Đến một lúc nào đó, cuộc sống khá giả hơn và ý thức cội nguồn trở về, không đứt gãy nữa thì “Văn hóa nhà dài” lại được quan tâm khôi phục, hiện diện khắp nơi.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc