Multimedia Đọc Báo in

Về Vụ Bổn xem đấu vật truyền thống

11:30, 03/03/2017

Không hẹn mà gặp, cứ đến rằm tháng giêng, các đô vật tứ xứ lại tề tựu tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) thi thố tài năng trong hội vật truyền thống được tổ chức hằng năm. Hội vật thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ, thưởng lãm những “miếng” đánh hay của các đô tài…

Môn thể thao dân gian truyền thống này theo chân những người dân Bắc Giang vào Vụ Bổn từ những năm 90 của thế kỷ trước và được người dân nơi đây lưu giữ, tổ chức hằng năm với ý nghĩa nhắc nhớ nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Ban đầu hội vật được tổ chức với quy mô của hội làng, đến năm 2007, UBND huyện Krông Pắc nâng lên thành hội vật truyền thống cấp huyện và được mở rộng cho các đô vật ngoại tỉnh tham gia. Người dân nơi đây rất tự hào về hội vật, bởi qua 17 năm tổ chức, hội vật đã trở thành một “thương hiệu” của Vụ Bổn, được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong cả nước, nhiều đô tài nghe tiếng đã không quản ngại đường sá xa xôi, từ khắp mọi miền đất nước tìm về tranh tài, xa thì tận Bắc Giang, Nam Định, gần thì Lâm Đồng, Đắk Nông, những năm có nhiều đô vật tham dự, hội vật phải diễn ra trong 4 ngày mới tìm được người chiến thắng cuối cùng.

Hai đô vật tranh tài trong một keo đấu tại Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn.
Hai đô vật tranh tài trong một keo đấu tại Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn.

Sới vật (nơi diễn ra các cuộc tranh tài) hình tròn, bố trí tại một khu đất ở thôn 8, nền đổ cát, được đắp cao hơn mặt nền khoảng 1 mét để khán giả thuận tiện quan sát các đô tranh tài. Khi trận đấu diễn ra, hợp cùng tiếng trống giục giã, rộn ràng, hối thúc các đô vật thi đấu nhiệt tình, hết mình là tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt tình của khán giả xung quanh, tạo nên bầu không khí hết sức sôi động, phấn khích.

Trước khi bước vào hội, hai đô được lựa chọn là những người có đức, có tài tiến hành keo vật thờ. Khi nghe hiệu lệnh trống, hai đô trịnh trọng thực hiện các nghi lễ bái tổ. Nghi thức này có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nhằm thông báo cho các bậc thần linh chính thức khai hội cùng với ý nguyện cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

Kết thúc keo vật thờ, các đô tiến lên sới vật để tranh tài. Tương tự keo vật thờ, các đô thực hiện xe đài, phô diễn, thể hiện tinh thần thượng võ. Qua động tác xe đài, đô vật giới thiệu về xuất xứ, vùng miền mình đến. Đơn cử như đô đến từ miền núi thì động tác xe đài kín đáo, lối di chuyển nhẹ nhàng, các đô đến từ đồng bằng thì động tác mềm mại, uyển chuyển...

Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn năm 2017 có 90 đô vật đến từ các huyện trong tỉnh và 2 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông tham gia tranh tài. Kết quả các đô vật Vụ Bổn đã giành chiến thắng tuyệt đối khi Nguyễn Đức Khanh đoạt cả giải Nhất, Nhì; giải Ba thuộc về Nguyễn Bá Điệp.

Về thể thức thi đấu, hội vật có hai giải: giải lèo dành cho lứa tuổi thiếu nhi và giải chính. Giải lèo được tổ chức xen giữa các giải chính và chỉ tiến hành một lần, không có người giữ giải, ai muốn lên vật thì ghi tên và bắt cặp, phần thưởng cho người thắng mang tính tượng trưng, động viên khích lệ.

Giải chính có ba giải: giải nhất, nhì và ba. Các đô vật đến từ các sân đô đăng ký tham gia đều phải thi đấu từ các giải lèo thường, sau khi dành phần thắng mới được vào thi đấu các đầu lèo giải, sau đó tiến hành giữ và phá các đầu lèo. Khi thắng các đầu lèo, đô vật có quyền thi đấu giữ và phá các giải nhất, nhì, ba. Để thắng được các đối thủ, đô vật phải nhấc bổng đối phương hổng cả hai chân lên mặt đất, hoặc vật đối phương té ngã ngửa, lưng vai chạm mặt đất, gọi là “lấm lưng trắng bụng”. Các trận đấu cân sức cân tài giữa các đô tài trong một keo đấu có thể kéo dài hàng giờ liền. Các đối thủ liên tục di chuyển, vờn nhau, lựa miếng, chọn thời cơ để quật ngã đối thủ trong tiếng reo hò, cổ vũ vang dội của khán giả.

Thông thường để trở thành người chiến thắng cuối cùng, các đô vật phải tham gia 7 keo đấu, nghĩa là phải vượt qua 7 đối thủ, đòi hỏi đô vật cần có một nền tảng thể lực cực kỳ dẻo dai, biết rõ điểm mạnh, yếu của từng đối thủ để có chiến thuật hợp lý trong từng keo đấu. Chính hành trình đến với vinh quang của một đô vật gian nan như vậy, nên người chiến thắng cuối cùng luôn tạo được vị thế, được mọi người kính trọng, nể phục.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.