Du lịch cộng đồng và vai trò kiến tạo của Nhà nước (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Tiếng nói người trong cuộc
Ông Phạm Tâm Thanh - Phó giám đốc Sở VH - TT - DL cho rằng: Nhà nước hỗ trợ phát triển du lịch bằng các chính sách ưu đãi về thuế và đất, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện nước, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến du lịch. Nhà nước còn đảm bảo về công tác an toàn - an ninh trong hoạt động du lịch, bảo tồn và phát huy các bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, định hướng xây dựng và phát triển du lịch qua các chương trình, kế hoạch cụ thể và thường niên.
Cụ thể, thời gian qua Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4-10-2016 về nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giai đoạn 2016 - 2020; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-2016-NQ-HĐND ngày 30-8-2016 về phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND ngày 15-11-2016 về Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông Thanh, nhờ các văn bản trên ban hành kịp thời nên đã khắc phục được tình trạng địa phương nào cũng có đề án quy hoạch, dẫn đến chồng chéo, dàn trải trong việc định hướng kêu gọi đầu tư. Nhờ vậy, từ con số gần 24 Đề án quy hoạch phát triển khu, điểm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk trong thời gian qua đã được cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá và rà soát lại chỉ còn 8 đề án (dự án). Trong đó một số dự án có tính khả thi cao, quy mô lớn được tỉnh quan tâm như Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (Krông Ana); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H’lâm (Cư M’gar). Những khu, điểm du lịch này hầu hết đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đã được bàn giao mặt bằng để khởi động với mục đích, yêu cầu là thân thiện với cảnh quan - môi trường; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, khác biệt và mang đặc trưng văn hóa giàu bản sắc của các cộng đồng dân tộc bản địa.
Bộ sưu tập “Trở về miền ký ức” của quán cà phê Tâm An Viên (buôn Akô Dhông - TP. Buôn Ma Thuột) thu hút du khách tham quan. Mô hình này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước về mặt quảng bá và giới thiệu sản phẩm. |
Thêm nữa, cũng phải thừa nhận rằng, công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư thời gian qua vẫn còn một vài “nút thắt” khiến nhà đầu tư nản lòng - đó là chính sách cho thuê đất, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được ưu đãi, hoặc chậm được triển khai theo chủ trương của Chính phủ; những tác động bất lợi đến đời sống, cảnh quan và môi trường chưa được cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội vào cuộc một cách quyết tâm nhằm chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp căn cơ, hài hòa và bền vững. Nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tại các khu, điểm du lịch đã và đang được quy hoạch còn yếu, không đáng kể…
Những “nút thắt” này hiện đang được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước cởi bỏ thông qua nhiều quyết sách phù hợp, kịp thời như rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Đồng thời nhiều chính sách, giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở đây cũng được quan tâm, đẩy mạnh để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức sống và sự lan tỏa dài lâu, sâu đậm hơn. Vấn đề quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên nước trên các hệ thống sông suối, hồ, thác (nhất là đối với những danh thắng được xếp hạng) đã được tăng cường kiểm soát và điều phối lợi ích giữa các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên cho ngành du lịch theo hướng hài hòa, bền vững hơn chứ không còn tư duy “đánh đổi” bằng mọi giá như trước đây.
“Nhà nước đứng ra cùng DN, nhất là đối với khối dân doanh tập trung khảo sát kỹ thị trường, sau đó tổ chức “sự kiện” du lịch một cách bài bản, có trọng điểm. Không nên xúc tiến theo kiểu dựng một gian hàng lên rồi bày bán, giới thiệu đủ thứ, chẳng mang lại hiệu quả gì trong các lần hội chợ mà Đắk Lắk đã làm từ trước đến nay” Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Dam San |
Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Dam San nêu hai vấn đề thiết thực mà Nhà nước cần quan tâm để giúp cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất là công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk cần phải đầu tư, đổi mới nhiều hơn. Chẳng hạn như việc tham gia các Hội chợ Du lịch trong nước và quốc tế - thay vì xúc tiến theo kiểu dựng một gian hàng lên rồi bày bán, giới thiệu đủ thứ, chẳng mang lại hiệu quả gì trong các lần hội chợ mà Đắk Lắk đã làm từ trước đến nay, Nhà nước nên cùng DN, nhất là đối với khối dân doanh tập trung khảo sát kỹ thị trường, sau đó tổ chức sự kiện du lịch một cách bài bản, có trọng điểm. Thứ hai, Nhà nước cũng nên nhanh chóng có chính sách, giải pháp củng cố và quy hoạch lại sản phẩm du lịch tại các khu điểm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa - sinh thái ở Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột. Bởi ở đó sản phẩn du lịch đã teo tóp và xuống cấp nghiêm trọng khiến du khách đến một lần là không muốn quay lại.
Ông Cơ chia sẻ, vai trò của Nhà nước trong vấn đế này là giúp đỡ, hỗ trợ các DN xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch có chiều sâu và bền vững. Ví như “Văn hóa voi”, “Văn hóa nhà dài” của các tộc người bản địa, nên có những bảo tàng, bộ sưu tập đầy đủ và phong phú để thỏa mãn nhu cầu du khách. Dĩ nhiên, để hiện thực hóa điều đó thì vai trò kiến tạo của Nhà nước là quan trọng nhất. Cuối cùng là mối hợp tác, liên kết giữa các DN du lịch với nhau, giữa DN với cộng đồng và xa hơn là trong khu vực, vùng miền trên cả nước.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc