Multimedia Đọc Báo in

Qua dòng Bến Hải

08:52, 28/04/2017

Mỗi lần ngang qua tỉnh Quảng Trị, tôi đều ngắm nhìn thật kỹ dòng sông Bến Hải. Đôi bờ biếc xanh một vùng cây lá, dòng nước nao nao chảy mãi khôn cùng. Đâu chỉ lòng tôi xúc động nhớ về những tháng năm đau thương của Tổ quốc mà có lẽ mọi người khi qua dòng Bến Hải ai cũng thấy nghẹn ngào khi hồi tưởng hay được nhắc nhớ về một thời khói lửa, thuở Bắc - Nam ngăn cách đôi bờ.

Qua dòng Bến Hải - cầu Hiền Lương, âm vang ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” làm xót xa tâm hồn du khách. Giai điệu buồn thương não ruột, lắng đọng nỗi sầu nhớ mênh mang không sao tả xiết. Có đặt bài hát vào hoàn cảnh những năm khói lửa chiến tranh, nước non chia cắt, tình người thương nhớ hai miền, ta mới thấy nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã vắt gan ruột mình mà dệt nên những ca từ và âm điệu thiết tha, sâu lắng nhường kia: "Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê... Mắt đượm tình quê/ Xa xa đoàn thuyền nan buồm căng theo gió xuôi dòng/ Bỗng trong sương mờ không gian trầm lắng nghe câu hò". Ca khúc là nỗi niềm đâu của  riêng ai mà là của hàng triệu người dân nước Việt khát khao thống nhất, những lứa đôi mơ phút được sum vầy, hạnh phúc bên nhau.

Cầu Hiền Lương.   Ảnh tư liệu
Cầu Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Nhìn xuống dòng sông, vẫn màu nước xanh trong nhưng sao lòng nghe quyện đỏ máu đào tuôn chiến địa. Một thời oanh liệt, máu cha anh đã đổ xuống bến sông này. Để lá cờ đỏ mãi tung bay trong nắng gió yên bình, dân tộc Việt Nam phải can trường vất vả, chịu nhiều mất mát hy sinh không thể nói thành lời. Xe chạy qua rồi mà tôi ngoái lại như để lắng lòng nghe vọng tiếng thiêng liêng, tiếng đau thương nước non một thời khói lửa. Ôi! dòng sông vẫn bắt lên câu hát, xóa nhòa những vết tích chiến tranh, nhưng lòng người mãi mãi khắc ghi, thao thiết bồi hồi trong hoài niệm. Chiến tranh thật ác nghiệt, trên thế giới này, có đất nước nào chịu đau thương lớn lao, có đất nước nào mà niềm khát khao độc lập, thống nhất sâu thẳm hơn dân tộc Việt Nam không? Tôi đã từng nghẹn ngào buột thốt biết bao nhiêu lần khi đi qua đôi bờ Bến Hải. Mỗi lần hỏi là mỗi lần nghe tim mình quặn thắt.

Như buổi sáng nay, tôi lại trên chuyến xe khách Bắc - Nam qua cầu Hiền Lương ngắm dòng sông biếc xanh Bến Hải. Tiếng xe chạy êm êm đủ cho tôi lắng nghe tiếng chim hót vọng đôi bờ ríu rít khúc xuân ca. Thương quá những loài chim thuở nào khói lửa, tiếng hót cũng lặng im bởi bom đạn dội về. Thế mới có bài thơ “Chim biếc Vĩnh Linh” của Chế Lan Viên thật xúc động, nó là tiếng hót reo vui của lòng người gặp lại, là bài ca bất tận, rạo rực của thiên nhiên để xóa tan bạo tàn và hắc ám trên mảnh đất này: "Mấy năm lửa đạn chim bay hết/ Nay tiếng bom im cánh biếc về/ Tiếng hót đầu tiên, ơ,  lạ lắm/ Cả làng rưng lệ đứng im nghe!".             

Văn Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.