Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ văn hóa truyền thống ở xã đạt chuẩn nông thôn mới

08:14, 09/05/2017

Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 3.200 hộ, với hơn 15.000 khẩu sinh sống  ở 12 thôn, buôn; trong đó có 6 buôn dân tộc Êđê nên việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được chính quyền địa phương và người dân quan tâm.

Năm 2000, những người biết đánh chiêng trong xã đã thành lập một đội chiêng gồm 13 nghệ nhân. Bên cạnh đó, UBND xã cũng phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: cúng bến nước, mừng cơm mới...; đặc biệt là vận động các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên. Nhờ đó, đến nay toàn  xã có hơn 60 thanh thiếu niên học đánh chiêng và tham gia nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến cồng chiêng. Tiêu biểu có thể kể đến đội chiêng của buôn K’mrơng Prông A tham gia biểu diễn tại buổi Tọa đàm khoa học “Giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á” do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2004. Sự kiện này đã mang lại kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào ngày 15-11-2005. Liên tục từ đó đến nay, đội cồng chiêng của buôn K’mrơng Prông A được mời đi  biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh như: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10-2010), Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 7-2013 (đoạt giải A)...

Đội cồng chiêng trẻ và múa dân gian xã Ea Tu biểu diễn tại Lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tháng 3-2017.
Đội cồng chiêng trẻ và múa dân gian xã Ea Tu biểu diễn tại Lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tháng 3-2017.

Bên cạnh đó, nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo khác luôn được người dân xã Ea Tu duy trì và phát triển như:  dệt thổ cẩm, hát dân ca, chế tạo nhạc cụ, tạc tượng gỗ… Mới đây nhất, niềm vui lại đến với đồng bào xã Ea Tu khi tác phẩm  “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” của nghệ nhân Y Thái Êban ở buôn K’mrơng Prông B xuất sắc đoạt giải Nhì tại Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên năm 2017 - một hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.  Đây là minh chứng sống động cho sự nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào xã Ea Tu.

Không ít người trong buôn từng đau đáu khi thấy nhiều bộ cồng chiêng trong xã lần lượt bị bán rẻ và không ít nghi thức, nghi lễ, ngành nghề truyền thống bị mai một thì nay đang được khôi phục. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn hiện có 49 nghệ nhân đánh cồng chiêng, trong đó có 8 thanh thiếu niên của đội cồng chiêng trẻ; 115 nghệ nhân dệt thổ cẩm; 6 nghệ nhân chế tác nhạc cụ; lưu giữ 26 bộ chiêng quý; 4 bộ nhạc cụ dân tộc; 45 căn nhà dài; bảo tồn và tôn tạo 8 bến nước... Nghệ nhân cồng chiêng Y Sơn Niê, buôn Kmrơng Prông A tâm sự: “Với đồng bào, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá, có ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần của người Êđê. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thông qua việc mở các lớp chiêng trẻ và gìn giữ các bộ chiêng cổ, nhạc cụ, nhà dài… đã giúp những bậc cao tuổi như chúng tôi yên tâm hơn cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống”.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã tạo được sự đồng thuận trong các  tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức tự quản, phấn đấu vươn lên, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi địa bàn dân cư. Các phong trào thi đua được các dòng họ, các gia đình tích cực hưởng ứng, góp phần xây dựng thôn, buôn văn  hóa. Từng gia đình  động viên con em học tập, tuân thủ chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước và nghĩa vụ đối với Nhà nước. Năm 2007, xã hoàn thành công tác phổ cập THCS; nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia; nếu như năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn gần 30% thì hiện nay chỉ còn dưới 2%; đặc biệt đầu năm 2017 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

“Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng buôn trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành pháp luật, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống...” - ông Vượng khẳng định.

Nguyễn Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.