Niềm vui từ lớp âm nhạc dân gian Lào
Tết Bunpimay của người Lào tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) năm nay nhộn nhịp và tưng bừng hơn khi có sự góp mặt các điệu khèn, điệu múa lam vông do các em người Việt gốc Lào biểu diễn…
Bà H’Biệt Lào ở buôn Trí A, xã Krông Na chia sẻ, bà theo bố mẹ đến vùng đất này từ khi còn nhỏ, đến nay đã gần 60 tuổi vẫn luôn khắc khoải về những phong tục tập quán của người Lào. Bà tâm sự: “Âm nhạc dân gian của Lào mang một bản sắc riêng, thấm đượm vào những người Lào sinh sống tại đây. Những năm trước đây, ở trong buôn không còn ai biết chế tác nhạc cụ và chơi nhạc dân gian của người Lào. Giờ đây, trong những ngày lễ, tết tôi vui quá khi được thấy các cháu biểu diễn những bài nhạc, điệu múa quê hương…”.
Năm 2013, anh Khăm Kẹo Thana Sủn Thon, người Lào, hiện đang là giáo viên trung học phổ thông tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), trong một lần tham dự ngày Tết cổ truyền Bunpimay tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) trăn trở khi thấy ở đây không có đội biểu diễn âm nhạc dân gian Lào. Cùng với sự giúp đỡ của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, anh giới thiệu vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Âm nhạc dân gian Sochok Sunontad và Sathaphon Sunontad, người Thái Lan gốc Lào về tổ chức truyền dạy, sử dụng nhạc cụ dân tộc và hát dân ca cho thanh thiếu niên xã Krông Na. Từ đó đến nay, mỗi năm một lần, hai vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ người Thái Lan đều sang truyền dạy cho các em. Những em học văn hóa buổi sáng thì thầy, cô dạy vào buổi chiều; những em học buổi chiều thì học buổi sáng; còn buổi tối thì tập luyện chung và ráp đội. Khi vợ chồng tiến sĩ Sunontad về nước, các em tự luyện tập vào những ngày cuối tuần tại Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn. Em Anh Kiệt Lào ở buôn Trí A, xã Krông Na háo hức khoe: “Được thầy cô dạy tận tình, đến nay em đã biết biểu diễn khèn rồi. Mỗi khi có dịp em với các bạn đều được biểu diễn vui lắm…”. Còn anh Khăm Kẹo thì bày tỏ: “Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nhắc nhở thế hệ trẻ tự hào, phát huy, kế thừa và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các bộ tộc Lào đến với mọi người gần xa…”.
Thiếu nữ Lào biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình tại ngày Tết Bunpimay. |
Đội biểu diễn nhạc cụ dân gian Lào xã Krông Na có 15 thành viên; các em đã biết sử dụng các loại nhạc cụ như: khèn, sáo gộp, tiêu, đàn hạc…, biểu diễn các bài dân ca “Lăm tơi khõng”; “Lăm pu thay” và hát múa một số bài dân vũ, dân ca “Loi ka thông”, “Lăm vông Lào”, “Lăm phon xạng”… Ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thường xuyên liên hệ với vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ Sunontad tổ chức giảng dạy âm nhạc dân gian Lào cho thanh thiếu nhi xã Krông Na. Hai vợ chồng giảng viên còn tặng UBND xã bộ nhạc cụ dân tộc Lào và VCD hướng dẫn để các em tự tập luyện. “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục liên hệ với giảng viên để mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ cho thanh thiếu niên người Việt gốc Lào ở xã Krông Na, từ đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung…”, ông Chuyên nói.
Theo nhiều nghiên cứu thì người Lào đến giao thương và định cư tại huyện Buôn Đôn từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến nay trên địa bàn xã có hơn 220 người Việt gốc Lào sinh sống và đã có rất nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Y Thong Khăm Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na khẳng định: “Việc tổ chức dạy âm nhạc dân gian Lào cho thanh thiếu nhi ở đây thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Lào. Đây cũng là việc làm thiết thực vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào”.
Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc