Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên bao giờ trở thành điểm đến hấp dẫn? (Kỳ 1)

08:48, 21/05/2017

Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi ở đây vốn có những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, khác biệt nhằm phục vụ du khách thông qua việc khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử cũng như đời sống văn hoá của các tộc người tại chỗ. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh ấy vẫn chưa thể biến vùng đất này trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Kỳ 1: Giàu có về tài nguyên du lịch

Tây Nguyên vốn có hệ thống buôn, bon, làng cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ được hình thành khá đa dạng, độc đáo và lâu đời. Ở đó còn giữ được những đặc điểm cấu trúc xã hội đặc thù, cũng như đời sống sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc. Đặc biệt, trong đó Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại vào cuối năm 2005 là “kho báu” vô giá để ngành “công nghiệp không khói” ở đây khai thác, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Ngoài ra, vùng đất này còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu khác, như hệ thống lễ hội dân gian truyền thống có gắn kết với hoạt động diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, kể khan, nói vần, trình diễn dân ca, dân vũ hết sức đặc sắc, có sức lôi cuốn và hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế tìm đến khám phá và trải nghiệm. 

Hội voi hằng năm được tổ chức tại Buôn Đôn - Đắk Lắk là một trong những nội dung hấp dẫn du khách.
Hội voi hằng năm được tổ chức tại Buôn Đôn - Đắk Lắk là một trong những nội dung hấp dẫn du khách.

Vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng và phong phú vào loại bậc nhất của cả nước. Ngoài 6 vườn quốc gia (Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidoup - Núi Bà, Cát Tiên) cùng nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá (Ngọc Linh, Đắk Uy, Kon Chư Răng, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung, Tà Đùng) được bảo vệ nghiêm ngặt và từng bước đưa vào phục vụ du lịch, thì hàng loạt danh thắng như Biển Hồ, hồ Lắk, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia – Suối Vàng, các thác như: Dray Nur, Dray Sáp, Ba Tầng, Bảy Nhánh, Thủy Tiên, Gia Long, Trinh Nữ… cũng đang được các tỉnh quy hoạch, xây dựng thành những khu du lịch sinh thái tầm cỡ, có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái ở đây còn được nhiều người biết đến qua những vùng chuyên canh cây công nghiệp nổi tiếng: cà phê Đắk Lắk, chè Bảo Lộc, dâu tằm tơ Di Linh - Lâm Đồng, cao su Đắk Nông và hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai có chỉ dẫn địa lý và đã được định danh thương hiệu quốc gia. 

 
“Sự hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch đến với các tỉnh Tây Nguyên không gì khác ngoài các giá trị văn hóa bản địa vốn rất đa dạng và mang tính đặc trưng rất riêng” (Đề dẫn Hội thảo Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4-2016).
 
 

Thêm nữa, song song với lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đang được các doanh nghiệp trong khu vực đầu tư khai thác, phục vụ du khách như một “đặc sản” không thể thiếu trong “bữa tiệc” du lịch văn hóa – sinh thái đầy màu sắc, thì các lễ hội đương đại ở đây như  Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm/lần cũng là sản phẩm du lịch có sức thu hút du khách gần xa tìm đến với vùng đất kỳ vĩ và giàu huyền thoại này. Thông qua các kỳ festival trên, nếu chính quyền cùng các đơn vị làm du lịch ở địa phương biết kết hợp hài hòa với các lễ hội truyền thống tiêu biểu (đua voi, cúng bến nước, ăn cơm mới, diễn tấu cồng chiêng...) nhằm tập hợp, thu hút các cộng đồng dân tộc tại chỗ tham gia cùng du khách thì sẽ tạo điều kiện và cơ hội lớn để phát triển du lịch theo hướng hài hòa, bền vững hơn. Tất nhiên, để tạo ra bước đột phá nhằm thúc đẩy du lịch Tây Nguyên tăng tốc, xứng đáng với vai trò là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn vùng, ngành du lịch các tỉnh trong khu vực cần hoạch định, xây dựng cho được chiến lược phát triển đúng hướng và phù hợp với sự tham gia thống nhất, đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó không thể bỏ qua sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc tại chỗ trên các mặt thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm hiện thực hóa lộ trình đưa du lịch Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức 2 năm/lần ngày càng thu hút du khách.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức 2 năm/lần ngày càng thu hút du khách.

Hơn thế, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò điều hành thống nhất, toàn diện và trực tiếp (như UBND thành phố Hội An) để làm tốt vai trò gắn kết giữa các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn, nghiên cứu khoa học và người dân, doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội gắn với việc quản lý, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa Tây Nguyên một cách hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc biện chứng giữa bảo tồn và phát triển.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.