Tây Nguyên bao giờ trở thành điểm đến hấp dẫn? (Kỳ 2)
Kỳ 2: Đầu tư, khai thác chưa tương xứng
Ai cũng biết giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là một kho tàng phong phú và đồ sộ. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống ấy để phát triển du lịch như thế nào, vẫn là câu hỏi làm bận tâm nhiều người.
Trong Hội thảo “Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững” được tổ chức tại TP. Pleiku – Gia Lai hồi tháng 5-2015, có rất nhiều tham luận cho rằng phải bắt đầu từ du lịch. Du lịch là khâu đột phá, bởi chỉ có phát triển du lịch thì bản sắc văn hóa ở đây mới được bảo tồn và phát huy; xã hội được phát triển và văn minh được nâng tầm. Muốn vậy, theo nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm thì chiến lược phát triển du lịch Tây Nguyên phải được hoạch định và vạch ra đúng hướng. Theo đó, mỗi sản phẩm du lịch phải được đầu tư, khai thác xứng tầm. Song, đến nay vấn đề quan trọng này vẫn chưa được thực thi có hiệu quả. Nhiều ý kiến tại hội thảo trên cho thấy sự trùng lặp, chồng chéo và nghèo nàn về sản phẩm du lịch ở Tây Nguyên đang là hiện trạng đáng buồn và phổ biến.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là thế mạnh sẵn có để làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt. Nhưng trên thực tế, như TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhìn nhận: vẫn là của hiếm, hoặc nếu có cũng là của “nhái”, của “dỏm” qua bàn tay dàn dựng và nhào nặn của những người đứng ngoài cuộc vì mục đích câu khách, hay chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Ví như Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không phải chỉ ở tính nghệ thuật của nó, mà còn bởi không gian diễn xướng đặc thù. Tuy nhiên, việc “sân khấu hoá” giá trị di sản này theo xu hướng tách nghệ thuật diễn xướng ra khỏi không gian văn hóa đậm tính tâm linh của các cộng đồng người bản địa đã khiến cho các giai điệu cồng chiêng vốn mênh mang, sâu thẳm ý nghĩa trở nên vô hồn, vô cảm. Hay các bản trường ca (sử thi) cũng vậy, mặc dù được ghi chép cẩn thận dưới dạng văn bản, kể cả băng ghi âm để truyền dạy lại cho các thành viên trong cộng đồng, nhưng khi đưa vào phục vụ du lịch cũng mất đi âm hưởng hào hùng, huyền ảo của loại hình nghệ thuật phức hợp vốn được các nghệ nhân kể khan cất lên trong đêm nhà rông, nhà dài bên ánh lửa bập bùng và huyền hoặc. Theo TS. Vinh, chỉ một khi các giá trị văn hóa dân gian “nguyên gốc” được nghiên cứu thấu đáo và đưa vào “thực đơn” du lịch mới thật sự đáp ứng sự tò mò tìm hiểu lẫn thích thú của du khách, nhất là khách nước ngoài. Bằng không, sự khác biệt và độc đáo trong từng sản phẩm du lịch ở đây nếu không định dạng được, thì điều đó đồng nghĩa với việc đẩy du khách quay lưng với Tây Nguyên.
Cụm danh thắng thác Dray Nur - Gia Long ở Đắk Lắk chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm. |
Mổ xẻ thêm vấn đề này, qua điều tra, khảo sát về phát triển sản phẩm du lịch vùng Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho thấy: Mặc dù sở hữu tính đặc thù cao, sinh thái đa dạng, sức lan tỏa từ các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột đã được phát huy, nhưng sản phẩm du lịch ở đây vẫn còn hạn chế, đặc biệt là du lịch văn hóa - cộng đồng do người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch (như Hội An, Đà Nẵng) chưa được quan tâm đúng mức. Chủ nhân đích thực của vốn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hầu như ít được chú ý, khuyến khích tham gia. Họ đang đứng ngoài quỹ đạo vận động, phát triển mang tính tất yếu để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống, gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho mỗi cộng đồng dân tộc.
“Sự khác biệt và độc đáo trong từng sản phẩm du lịch ở đây nếu không định dạng được, thì điều đó đồng nghĩa với việc đẩy du khách quay lưng với Tây Nguyên”
TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch
|
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là nhu cầu được đắm mình, trải nghiệm với những sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số đối với du khách khi đến Tây Nguyên khá cao, nhưng nhìn chung hoạt động du lịch cộng đồng (homestay) còn thưa vắng, chưa tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người. TS. Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hoá - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), trong tham luận của mình đã nhấn mạnh: Một thực tế phải được nghiêm túc nhìn nhận là tài nguyên du lịch Tây Nguyên không được đầu tư, khai thác đúng mức để có những sản phẩm chất lượng và khác biệt. Ngoại trừ Bảo tàng Dân tộc Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột ra, còn lại các điểm tham quan khác đều thiếu sức hấp dẫn. Các buôn làng ngày càng bị bê tông hóa, lối sống ở đó ngày càng bị đô thị hóa. Các vườn quốc gia hay danh thắng đều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Chưa xây dựng được mô hình vật chất để thể hiện Không gian Văn hóa cồng chiêng cho xứng đáng với tầm cỡ của một di sản phi vật thể nhân loại. TS. Phương cũng lưu ý thêm vấn đề liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa Tây Nguyên với Duyên hải - miền Trung, Đông Nam Bộ còn mờ nhạt, mang tính tự phát. Tiềm năng và lợi thế so sánh về du lịch chưa được khai thác hiệu quả, chưa có cơ quan điều phối phát triển du lịch chung theo quy hoạch phê duyệt.
(còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc