Tây Nguyên bao giờ trở thành điểm đến hấp dẫn? (kỳ 3)
Kỳ 3: Liên kết để phát triển
Những tham luận trong Hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” được tổ chức vào đầu tháng 4-2016 tại Hà Nội đã chỉ rõ: Hiện nay vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đang thiếu tầm nhìn, định hướng chiến lược vượt tầm cho phát triển ngành du lịch ở từng tỉnh cũng như toàn vùng nhằm tránh tình trạng phát triển du lịch một cách tự phát, đơn lẻ và thiếu đẳng cấp. Theo đó, việc phát triển du lịch không đồng đều giữa các địa phương, sản phẩm du lịch đặc thù còn đơn điệu và trùng lặp, chỉ khai thác các giá trị văn hóa và tài nguyên có sẵn, thiếu những sản phẩm đặc sắc, chất lượng, có lợi thế cạnh tranh cao… là những nguyên nhân khiến du lịch Tây Nguyên “giẫm chân tại chỗ”.
Từ phân tích, nhận định trên, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, du lịch Tây Nguyên muốn đột phá thì nhất thiết, thậm chí là cấp thiết phải liên kết, hợp tác toàn diện với các vùng - miền trong cả nước, đặc biệt là khu vực Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, vùng “Tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Mối liên kết này dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế tài nguyên thiên nhiên và nhân văn (di sản, di tích lịch sử, văn hóa) đặc sắc của 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Tây Nguyên), các tỉnh trong khu vực nên ngồi lại với nhau xây dựng Đề án Liên kết phát triển du lịch toàn vùng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước hết, đề án cần phải thống nhất lấy các khu, điểm du lịch quốc gia (Măng Đen, Yok Đôn, Tuyên Lâm, Đan Kia – Suối Vàng) làm “bàn đạp” ưu tiên để tạo sức lan tỏa trong khu vực. Chú trọng tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Nhanh chóng hình thành Ban điều phối cấp vùng để thúc đẩy quá trình liên kết và hợp tác. Có thể xem liên kết, phát triển du lịch vùng Tây Nguyên là yếu tố quan trọng và là yêu cầu mang tính quy luật khách quan đối với phát triển ngành kinh tế du lịch hiện nay. Bởi chỉ có đường hướng ấy mới nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến – vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.
Nhịp điệu xoang, nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên. |
“Các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung là cửa ngõ của Tây Nguyên hướng ra biển. Ngược lại, đây là vùng đất đầy tiềm năng cho du lịch các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung “bắc cầu” nối với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan thông qua các cửa khẩu khi đưa du khách lên Tây Nguyên” (Đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch) |
Theo đó, để thực hiện có hiệu quả mối liên kết và hợp tác trên, nhóm tư vấn Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) do TS. Trương Sỹ Vinh chủ trì từng đề xuất: Cần xây dựng, hoàn thiện những giải pháp liên quan đến thể chế và tư duy trong “câu chuyện” liên kết này. Với Tây Nguyên, nên thiết lập cơ quan quản lý, điều phối dưới dạng “Ban chỉ đạo vùng” hay “Hội đồng vùng” đóng vai trò như một “nhạc trưởng” điều hành trong vấn đề liên kết, phát triển. Được biết hầu hết các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Tây Nguyên đều đồng thuận với đề xuất này.
Ông Đặng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng và bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Ủy viên Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho rằng: Để “nhạc trưởng” làm tốt vai trò của mình thì Bộ VH-TT-DL nên đứng ra chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên xúc tiến nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp cũng như luận cứ khoa học về việc thực hiện liên kết, phát triển du lịch vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững, hiệu quả nhất giúp “Ban chỉ đạo vùng” hay “Hội đồng vùng” chỉ đạo, tư vấn các tỉnh trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch Tây Nguyên. Cơ quan này cũng phải thiết lập các thiết chế giám sát cần thiết để khắc phục tình trạng “tư duy địa phương cục bộ” trong liên kết nội vùng nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Trong đó, quan trọng nhất là không để phân tán nguồn lực, đầu tư dàn trải, không tạo được lợi thế so sánh, dẫn đến lãng phí mọi nguồn lực.
Vấn đề hình thành và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch trong khi liên kết, hợp tác phát triển vùng Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung – Đông Nam Bộ và Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan cũng cần quan tâm, chú trọng hơn. Về nội dung này, những công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch trong thời gian qua đã chỉ rõ: Đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên và những đặc trưng về văn hóa, dân tộc mà vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên vốn có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong phát triển. Việc liên kết cũng sẽ giúp du khách có thêm lựa chọn khi các tour du lịch trong khu vực tiếp tục được mở rộng.
Chẳng hạn, để tạo sự đa dạng, khác biệt trong các tour như “Lên rừng, xuống biển”, nhiều doanh nghiệp trong vùng có thể bán ra thị trường kèm theo sản phẩm “Con đường Di sản miền Trung” kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên”, tạo điều kiện thuận lợi (về thời gian, tài chính), giúp du khách đi xuyên suốt các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên để thưởng thức trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa - lịch sử quý giá như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vịnh Lăng Cô, Nha Trang. Sau đó, thưởng thức Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, cưỡi voi Buôn Đôn, hồ Lắk, hay Cao nguyên Lâm Viên, uống rượu cần và nghe hát kể sử thi…
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc