Multimedia Đọc Báo in

Thổi hồn cho những sợi nan tre

20:06, 18/05/2017

Trong ngôi nhà sàn truyền thống ở buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, nhiều năm qua chị H’Wiên Kbuôr vẫn cần mẫn với nghề đan lát của người dân tộc Êđê.

Nhìn “núi” nguyên liệu tre, nứa, vầu…ngổn ngang trên sàn, cạnh đó là những sản phẩm đan lát đã hoàn thành như nong, nia, sàng, thúng, rổ, gùi…, cái nào trông cũng thật xinh xắn, tinh xảo và bền chắc, ít ai biết chị H’Wiên đã trải qua quá trình học hỏi, rèn giũa tay nghề bền bỉ, vất vả .

Chị H’Wiên vừa hoàn thành sản phẩm

Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác trong buôn làng, nhưng sau một trận sốt bại liệt, đôi chân H’Wiên đã  không còn đi lại được nữa. Trong khi bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường, vui chơi thì chị chỉ có thể quanh quẩn quanh ngôi nhà sàn, càng lớn càng cảm thấy tủi thân, thiệt thòi cho cảnh khuyết tật của mình. Thấu hiểu được nỗi lòng của con, bố chị bắt đầu dạy bảo cho chị nghề đan lát. Ban đầu làm quen với các nguyên liệu đan lát, với các công đoạn chẻ, chuốt, vót, đan…chị đã từng bật khóc vì đôi chân yếu ớt không chặn nổi dụng cụ, vì đôi tay lóng ngóng bao phen bật máu bởi tre cứa, nứa cắt, có lúc tưởng như muốn bỏ cuộc. Nhưng được bố kiên trì, nghiêm khắc rèn dạy, cùng với đức tính chăm chỉ, chịu khó, dần dần chị  đã học hỏi và làm thành thạo được tất cả các sản phẩm đan lát mà cha truyền dạy. Không những vậy, chị còn tỉ mẩn sáng tạo từ cách đan nhấn hoa văn đẹp mắt đến cách tạo màu sắc tương phản cho những sợi nan trong cùng một loại nguyên liệu giản đơn, vì thế  sản phẩm chị làm ra vừa bền vừa đẹp.

Từ ngày biết đan lát chị vui lên rất nhiều vì không những có việc làm phù hợp với sức khỏe để có thể tự nuôi sống bản thân mà còn tạo nên những sản phẩm hữu ích cho bà con buôn làng, tiếp nối nghề  truyền thống của ông cha. Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm trong nghề, chị như con ong âm thầm cần cù hút nhụy làm nên mật ngọt cho đời, thổi hồn vào những sợi nan tre, nứa. Sau các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu như phơi nắng, hơ lửa, chẻ nứa, tuốt nan… thì mỗi sản phẩm chị làm hết chừng một ngày công. Có người đến đặt hàng thì chị mới làm, người trong buôn cũng có, người ngoài buôn cũng có, ai cũng tin tưởng và hài lòng với những sản phẩm tinh xảo, bền chắc làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của chị. Tuy vậy vì giá thành cho một sản phẩm không cao, chỉ trên dưới một trăm nghìn đồng, mà số lượng người đặt hàng chưa nhiều nên thu nhập của chị cũng còn bấp bênh, cuộc sống hàng ngày vẫn phải nương tựa phần lớn vào gia đình người chị gái tốt bụng. Vậy nên chị luôn mong muốn có được nhiều người biết đến, cần đến và sử dụng sản phẩm của mình, giúp chị có nhiều việc làm hơn nữa; đồng thời có cơ hội giới thiệu về nghề đan lát truyền thống, một mảng màu văn hóa phong phú của đồng bào dân tộc Tây nguyên.


Hoa Ngọc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.