Multimedia Đọc Báo in

Về thăm xứ trầm hương

14:47, 26/05/2017

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao, biển rộng người thương đi về”. Câu ca lưu truyền bao đời qua như lời “bảo chứng” về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá trị trầm hương - một trong những loại đặc sản hàng đầu của tỉnh Khánh Hòa.

Trầm hương thường xuất hiện ở một số vùng núi cao, rừng rậm của các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam… Thế nhưng, theo đánh giá của người dân từ ngàn đời xưa đến nay thì chỉ có trầm hương ở vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa mới có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, nơi đây được biết đến với tên gọi “xứ trầm hương”.

Về thăm xứ trầm

Mặc dù là xứ trầm hương, nhưng thực tế rất ít người dân Khánh Hòa cũng như du khách biết được quá trình để tạo ra trầm hương, lịch sử của nghề khai thác trầm và cách thức sử dụng... Với mục đích giới thiệu, cung cấp cho du khách những kiến thức về trầm hương trên cơ sở trải nghiệm thực tế, từ tháng 3-2017, Khu trang trại Du lịch sinh thái Hoàng Trầm (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã đi vào hoạt động, trở thành khu du lịch làng nghề sinh thái Trầm hương đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. Trang trại có tổng diện tích khoảng 30 ha, trồng trên 30.000 cây gió bầu với tuổi đời từ 15 năm trở lên đã được tạo trầm.

Vượt quãng đường hơn 20 km từ trung tâm TP. Nha Trang đến huyện Diên Khánh, chúng tôi có dịp được đến thăm Khu trang trại sinh thái Hoàng Trầm. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là không gian thoáng đãng, cây cối xanh mát, và lọt thỏm giữa bạt ngàn cây gió bầu là khu chế tác và trưng bày sản phẩm làm từ trầm hương. Đến đây, du khách được tham quan khu vườn cây gió bầu; nghe giới thiệu về đặc tính của loài cây duy nhất có khả năng tạo ra trầm hương và kỳ nam; được chiêm ngưỡng các công đoạn chế tác, sản xuất và thưởng thức các sản phẩm từ trầm hương. Trong phòng trưng bày, du khách được tận mắt thấy những khối trầm mỹ nghệ, những đồ trang sức quý giá được chế tác từ trầm như vòng đeo tay, vòng cổ hay những khối kỳ nam hình thù kỳ lạ có giá đến hàng tỷ đồng khiến ai nấy không khỏi trầm trồ.

Phòng trưng bày sản phẩm của Khu trang trại Du lịch sinh thái Hoàng Trầm (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Phòng trưng bày sản phẩm của Khu trang trại Du lịch sinh thái Hoàng Trầm (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).

Ông Phạm Tuấn Anh, chủ Trang trại Hoàng Trầm cho biết: Trầm là sản vật cao quý của những cánh rừng nhiệt đới, biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Trầm hương có thể dùng để đốt để tạo hương thơm trong nhà, chạm khắc thành các sản phẩm thờ cúng thiêng liêng hoặc chiết xuất thành tinh dầu. Thời phong kiến, trầm hương được coi là sản vật quý, chỉ dùng để cống nạp cho các bậc vua chúa. Ngày nay, dân chơi trầm hương chủ yếu mang tính phong thủy bởi họ quan niệm mùi hương của trầm là sợi dây kết nối giữa người phàm trần với đấng tối cao. Nếu trước kia người giàu có mới có thể dùng trầm, nay người có tiền ít vẫn có thể mua những sản phẩm từ trầm hương. Giá loại sản phẩm này khá phong phú, ít tiền dùng hương trầm, vòng trầm giá vài triệu đồng. Bậc phú quý mua trầm khối, trầm tượng, trầm cảnh hàng tỷ đồng.

Trầm hương – tinh khí của đất trời

Trầm hương vốn là sản phẩm được hình thành từ cây gió bầu. Thông thường, một cây gió bầu khi bị thương sẽ tiết nhựa để chữa lành vết thương, lâu dần thành trầm. Nếu như trước đây, bất kỳ ai muốn có trầm hương bắt buộc phải băng rừng, lội suối vào “thánh địa” của cây gió bầu để tìm kiếm thì khoảng một thập niên trở lại đây, dân “xứ trầm” ở Khánh Hòa đã có thể thực hiện việc trồng cây gió bầu và tự cấy trầm nhân tạo. Khi cây gió bầu được khoảng 10 năm tuổi trở lên thì người trong nghề có thể tạo trầm bằng cách tạo vết thương trên cây gió bầu để cây tự tiết ra nhựa, từ đó sẽ thu được sản phẩm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cây gió bầu nào cũng tạo thành trầm hương. Theo những người trong nghề, để tạo vết thương trên cây gió bầu có nhiều cách như dùng dao, rìu… chặt thân hoặc rễ cây nhưng phương pháp để tạo ra chất giúp quá trình hình thành trầm trên cây gió bầu nhanh và hữu hiệu nhất đó là dùng kiến. Những con kiến bé nhỏ khi sinh sống trên cây gió bầu sẽ đục khoét thân cây để làm tổ, chính những vết thương này cùng với chất do con kiến tạo ra kết hợp với nhựa cây gió bầu sinh ra trầm hương nhanh hơn so với các phương pháp khác.

Người ta cho rằng, trầm hương là “linh khí của trời đất”, chứa đựng nguồn năng lượng phi thường tạo ra sức lực dồi dào, hóa giải hung khí. Ai có trầm-kỳ (trầm hương - kỳ nam) coi như có của quý và được cất giữ như vật “gia bảo” hoặc đeo bên người để làm bùa hộ mệnh. Khoa học cũng chứng minh rằng mùi trầm hương giúp cơ thể sống, tạo sức lực cho cơ thể hoạt động, chữa được nhiều căn bệnh. Chính vì giá trị của trầm hương mà trước đây trên vùng đất này đã có hàng nghìn người dân “bỏ việc, bỏ làng” vào rừng kiếm trầm mong đổi đời. Nhưng chưa hẳn người nào đi cũng may mắn gặp được trầm và đã có không ít người phải đánh đổi cả mạng sống của mình nơi rừng sâu. Những người trong nghề thường truyền tai nhau câu nói “ngậm ngải tìm trầm” như là cách để ám chỉ sự hiểm nguy của cái nghề băng rừng lội suối tìm “tinh khí của đất trời”.

Trầm hương Khánh Hòa từng được sử liệu cổ đề cập tới, trong đó cuốn “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn nói rất rõ về trầm hương ở 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh, là đất của tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Trầm hương thường được làm đồ trang sức như: vòng đeo tay, vòng đeo cổ hoặc chế tác tượng phật, tác phẩm điêu khắc, nhưng hấp dẫn nhất vẫn mùi thơm được cho là hội tụ từ “tinh khí của đất trời”.


Thành Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.