Bình San - dấu ấn thời khai mở đất
Đến Hà Tiên, miền đất liền cuối đất Việt kỳ vĩ và thơ mộng như câu hát “Hà Tiên mến yêu, đẹp như xứ thơ…”, hãy đến núi Bình San - một trong mười thắng cảnh nổi tiếng (Hà Tiên thập cảnh) để tìm lại dấu ấn thời khai mở đất của ông cha.
Núi Bình San (còn có tên là núi Lăng) nằm ở phía tây bắc cách nội ô thị xã Hà Tiên khoảng 1 km. Khu vực lưng chừng núi nhìn ra biển Tây là nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc. Mạc Cửu (1655-1735) chính là người đầu tiên có công khai phá và xây dựng đất Phương Thành (Hà Tiên) từ một vùng hoang vu, giáp biển thành một khu đô thị trù phú, có vị trí chiến lược xung yếu ở cuối phía tây nam nước Việt.
Đền thờ Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San. Đền có kiến trúc hình chữ quốc, xung quanh có tường đá dày bao bọc, ở giữa là điện thờ. Trước chánh điện có một biển thờ đề “Khai trấn trụ quốc” và bức hoành phi khắc chữ “Nghị võ công” là hai tước hiệu, danh phong mà Mạc Cửu được chúa Nguyễn Phúc Chu phong tặng. Phía trước khu đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt. Ngôi đền có bố cục hài hòa với những mảng chạm trổ, điêu khắc tinh xảo theo cột, liễn, diềm, hoành phi, bình phong được đánh giá là một công trình văn hóa, lịch sử có tính nghệ thuật cao. Ngay cổng đền, có đề danh Mạc Công miếu, hai bên là cặp liễn đối chữ Hán: “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Nghĩa là: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).
Đền thờ Mạc Cửu. |
Vào thế kỷ 17, sau khi người Mãn Châu chiếm Trung Nguyên, thiết lập nền cai trị trên toàn lãnh thổ Trung Hoa, lập nên nhà Thanh (1644-1911), có một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng, một số thương gia không hợp tác. Họ lập ra phong trào “Bài Thanh phục Minh”, địa bàn hoạt động của những người này giáp với các tỉnh biên giới Việt Nam hồi ấy. Khoảng năm 1671, Mạc Cửu - một thương buôn người Quảng Đông với mấy trăm tùy tùng, được phép vua Chân Lạp cho khai thác vùng bờ biển gần Phú Quốc. Tiếp đó, Mạc Cửu đến mở mang vùng Hà Tiên. Tuy còn trẻ nhưng Mạc Cửu rất thành công trong việc kinh doanh ở vùng Hà Tiên, sau khi chiêu mộ thêm nhiều người Trung Hoa, người Việt và người Khmer. Vùng Hà Tiên trở nên một khu tự trị phồn thịnh. Sau một thời gian mở mang và bình định, để tránh áp lực của người Xiêm (Thái Lan), năm 1708, Mạc Cửu đem vùng này dâng cho chúa Nguyễn và xin thần phục. Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Sự kiện quan trong này được sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức ghi lại như sau: “Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy. Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc”.
Nếu như Mạc Cửu có công lớn khai phá, mở mang vùng Hà Tiên trở nên phồn thịnh thì người kế thừa - con ông – Đô đốc Tổng binh Mạc Thiên Tứ lại là một anh hùng văn võ song toàn. Mạc Thiên Tứ đã đánh bại, tiêu diệt nhiều đám quân nổi loạn của Chân Lạp, bọn cướp biển ở vịnh Thái Lan. Ông được Chúa Nguyễn rất mực tin dùng và đãi ngộ. Mạc Thiên Tứ còn là chủ soái của Tao đàn Chiêu Anh Các, lừng lẫy một phương trời nam…
Đi theo một con đường nhỏ lát gạch phía phải của Đền thờ Mạc Cửu sẽ đến khu mộ táng với hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc. Mộ Mạc Cửu là ngôi mộ lớn, hoành tráng, kiên cố nhất, hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, thế tọa ngưu (trâu nằm). Bên trái mộ có Thanh long, bên phải có Bạch hổ và trước hai bên mộ có hai tượng chiến tướng bằng đá xanh uy nghi, dũng mãnh cầm gươm đứng hầu.
Núi Bình San trải qua bao cuộc bể dâu vẫn phong sương cùng tuế nguyệt, xanh tươi cỏ cây hoa lá. Nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc giờ đây đã trở thành một thắng tích nổi tiếng của đất phương Nam. Hằng năm, nhất là vào dịp đầu xuân có rất đông khách đến tham quan, hành hương cầu xin phúc lộc thọ, an khang.
Ngày nay, ngay cửa ngõ vào thị xã Hà Tiên đã dựng lên tượng đài Mạc Cửu bằng đá cao 15 m với dáng đứng hùng dũng, oai nghi. Đất Phương Thành xa xưa với tiếng trống canh đêm đêm vang vọng, bây giờ đã trở thành chốn đô hội với những thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa làm say đắm lòng người.
Có dịp đến Hà Tiên, hãy đến thăm núi Bình San để nghe tâm hồn man mác, bồi hồi nhớ đến tiền nhân đã một thời khai mở vùng đất nơi cuối cùng của dải đất thiêng liêng hình chữ S, đọc lại những câu thơ trong bài vịnh “Bình San Điệp Thúy” (khắc in 1737): “Mây sáng vây quanh hình núi rõ/Mưa tàn thêm nổi bóng non theo/Đất trời bền vững nền linh tú/Mây khói vời xa nỗi ước ao”.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc