Multimedia Đọc Báo in

Thuyết minh viên-cầu nối giữa quá khứ với hiện tại

15:55, 27/09/2017

Để khách tham quan có thể hiểu và “sống lại” được cùng những hiện vật trưng bày trong các bảo tàng, không thể không kể đến vai trò của những thuyết minh viên. Họ được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại cho du khách.

Bảo tàng Đắk Lắk hiện có 11 thuyết minh viên, ai cũng yêu công việc như chính cuộc sống của mình. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, Trưởng Phòng Giáo dục và Công chúng đã gắn bó với nghề thuyết minh được 10 năm. Trước đây chị là giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng vì đam mê với nghề hướng dẫn viên du lịch, và muốn có nhiều cơ hội nghiên cứu về bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nên chị quyết định gắn bó với công việc của một người thuyết minh. Chị Tuyền chia sẻ: Nghề thuyết minh được ví như “làm dâu trăm họ”. Khi thuyết minh, mỗi du khách có cảm nhận khác nhau, người thích người không, có khi khách tham quan thể hiện sự khó chịu ra mặt. Vì vậy những người làm nghề thuyết minh phải có sự kiên nhẫn, không ngừng làm mới mình và đặc biệt là yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu dài được.

Những người làm nghề thuyết minh phải có sự kiên nhẫn, không ngừng làm mới mình và đặc biệt là yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu dài được. 

Việc thuyết minh cho du khách hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử của những hiện vật ở bảo tàng có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với khách quốc tế. Do đó đòi hỏi người thuyết minh phải có kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết sâu sắc về hiện vật mới có thể truyền đạt để khách tham quan dễ hiểu, dễ nhớ và thể hiện cả cảm xúc. Về công tác tại Bảo tàng tỉnh từ năm 2013, Thạc sỹ Nguyễn Huyền Minh Trang vốn không học chuyên về du lịch nhưng lại có niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, yêu thích nghề hướng dẫn viên du lịch. Trang đã quyết tâm theo đuổi đam mê và giờ là một trong những thuyết minh viên giỏi của Bảo tàng. Trang tâm sự: “Những ngày mới chập chững vào nghề nhiều khó khăn và thử thách lắm. Tụi em phải tập luyện từ điệu bộ, dáng đi đến giọng nói sao cho trôi chảy, dễ nghe và thật truyền cảm…”.

Các thuyết minh viên Bảo tàng Đắk Lắk (ảnh nhân vật cung cấp)
Các thuyết minh viên Bảo tàng Đắk Lắk. (ảnh nhân vật cung cấp)

Thuyết minh viên không phải là nghề có nhiều lợi thế với nam giới, nhưng với anh Đào Đức Ngọc lại khác. Tại Bảo tàng Đắk Lắk, anh đã chứng minh mình là người có duyên với nghề, gắn bó với nghề bằng tình yêu thực sự. Lúc mới vào công tác tại đây, Ngọc cũng như các thuyết minh viên khác, đều phải học thuộc và nghiền ngẫm hơn 12.000 hiện vật và rất nhiều tài liệu về nội dung các chủ đề được trưng bày tại bảo tàng. Qua quá trình trải nghiệm thực tế, học hỏi ở anh chị đi trước, rồi tự nghiên cứu sách báo chuyên ngành, anh rút ra được nhiều bài học. Giờ đây anh cũng là một trong những thuyết minh viên giỏi của Bảo tàng.

Thuyết minh được xem là công đoạn cuối cùng trong quá trình đưa hiện vật đến với du khách. Người thuyết minh cũng chính là “người bảo vệ” thành quả, công sức của những cán bộ phụ trách khai quật hiện vật, sắp đặt và trưng bày hiện vật theo chủ đề. Bằng tình yêu, nhiệt huyết với nghề, những thuyết minh viên tại Bảo tàng Đắk Lắk vẫn thầm lặng làm cầu nối chuyển tải các giá trị lịch sử, văn hóa… của vùng đất Tây Nguyên đến với mọi người.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.