Câu chuyện văn hóa
"Nữ thần Cà phê"
Còn nhớ cách đây gần 10 năm, nhà điêu khắc danh tiếng Phạm Văn Hạng đã dày công tạc bức tượng “Nữ thần cà phê” bằng đá granit nguyên khối tặng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên nhân dịp ông được doanh nghiệp này mời tham dự trại sáng tác về chủ đề Văn hóa cà phê được tổ chức khá quy mô tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 11-2008.
Tượng “Nữ thần cà phê” của nhà điêu khắc này lập tức nhận được ý kiến đóng góp nhiều chiều của các nhà hoạt động nghệ thuật cũng như nhà quản lý văn hóa trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Người thì bảo trong hệ thống các thần linh (đại diện cho lực lượng siêu nhiên) theo tín ngưỡng, tâm linh người bản địa thì làm gì có “Nữ thần cà phê”.
Người khác lại cho rằng không có rồi sẽ có, bởi những gì đem lại sự tốt đẹp cho con người và cộng đồng đều được tôn vinh. Trước những tranh cãi ấy, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng chỉ tủm tỉm cười và nói một câu đại ý: Hạt cà phê ở vùng đất bazan màu mỡ này đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người – và hơn thế nó có vị trí quan trọng và xứng đáng trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhiều vùng cư dân rộng lớn. Vậy thì hà cớ gì chúng ta không tôn vinh và tri ân điều đó bằng một hình tượng nghệ thuật thích hợp. Tôi gọi cà phê là “Nữ thần” dưới hình thức nghệ thuật điêu khắc có được không?
Không ai trả lời câu hỏi ấy. Cho đến cuối tháng 11-2016, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định lấy ngày 10-12 hằng năm làm Ngày Cà phê Việt Nam, nhằm biểu đạt tinh thần, nhận thức của cộng đồng sản xuất và kinh doanh cà phê đối với mặt hàng chiến lược này thì hẳn không ít người nhớ lại và thầm thán phục trước dự báo của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.
Sự tôn vinh, tri ân kia khác nào một tượng đài được xây nên dành cho hạt cà phê Việt Nam. Ở đó, cho thấy hạt cà phê có vai trò sứ mệnh rõ ràng trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế: tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu lao động, thu về hàng tỷ đô la thông qua việc xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhân và số 1 thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Bên cạnh đó, tiêu thụ cà phê nội địa cũng không ngừng được mở rộng.
Thưởng thức cà phê đã trở thành nét văn hóa ẩm thực hiện diện sâu đậm trong các tầng lớp dân cư. Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện tại ngành cà phê Việt Nam với đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh theo phương châm: “Năng suất - Chất lượng - Giá trị - Gia tăng” đã và đang mở ra điều kiện, cơ hội cho hương vị này lên ngôi với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6 tỷ USD, đồng thời nâng cao đời sống người trồng cà phê, nhất là vùng trọng điểm Tây Nguyên.
Rất vui là ngày 10-12 năm nay, lần đầu tiên Ngày Cà phê Việt Nam được tổ chức tại TP. Đà Lạt với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn cho cả doanh nghiệp lẫn người dân trong và ngoài nước. Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu, thưởng thức các loại cà phê trong nước, các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, tôn vinh những tập thể, cá nhân có những đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam và hội thảo chuyên ngành về tương lai phát triển cà phê Việt Nam đến năm 2030 chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó có những nhà hoạt động nghệ thuật, nhà quản lý, khoa học mà năm xưa họ đã nghĩ đến việc tôn vinh hạt cà phê là Nữ hoàng.
Nhân dịp này, hy vọng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, đơn vị được nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tặng bức tượng “Nữ thần cà phê” (nếu còn gìn giữ được) sẽ đem đến Đà Lạt trưng bày nhân sự kiện trên, để ai cũng được ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật kia. Bức tượng là một cô gái thanh xuân, đầu đội vương miện được kết bằng hoa cà phê, tay cầm nhành cà phê trĩu quả trong tư thế nâng niu và biết ơn vô cùng.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc